Dragon Capital lại tiếp tục hạ tỉ lệ sở hữu ở FPT Retail

10:36 | 17/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ giữa tháng 11/2020 đến nay, nhóm quỹ Dragon Capital đã liên tục thông qua các quỹ thành viên thoái vốn tại Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT).

Mới đây, ngày 14/12 nhóm quỹ liên quan tới Dragon Capital bán ra 269.970 cổ phiếu FRT để giảm sở hữu từ 8,18% về còn 7,83% vốn điều lệ FPT Retail; ngày 16/12 tiếp tục bán ra 1,5 triệu cổ phiếu FRT để giảm sở hữu về 5,19% vốn điều lệ FPT Retail.

Trước đó, nhóm quỹ Dragon Capital cũng liên tục bán ra giảm sở hữu tại FRT.

Ngày 2/12, nhóm quỹ liên quan tới Dragon Capital đã bán ra 646.040 cổ phiếu FRT để giảm sở hữu từ 11,03% về còn 10,21% vốn điều lệ.

Dragon Capital lại tiếp tục hạ tỉ lệ sở hữu ở FPT Retail - ảnh 1

Theo thống kê, từ đầu năm tới nay, Dragon Capital đã thông qua các quỹ thành viên bán tới gần 1,4 triệu cổ phiếu FRT. Bên cạnh đó, một quỹ ngoại khác là VinaCapital cũng thoái 88.560 cổ phiếu FRT trong tháng 10.  

Cụ thể, trong thời gian từ ngày 16/11 đến ngày 24/11, thông qua 3 quỹ thành viên là DC Developing Markets Strategies Public Limited Company, Hanoi Investments Holdings Limited và KB Vietnam Focus Balanced Fund, tỷ lệ sở hữu của nhóm Dragon Capital tại FPT Retail đã giảm từ 13,26% xuống 11,87%.

Trước đó, sau đó ở 3 phiên liên tiếp ngày 30/11, 1/12 và 2/12, 3 quỹ thành viên này tiếp tục bán ra tổng cộng 1,9 triệu cổ phần FRT, đưa tỷ lệ sở hữu của nhóm Dragon Capital tại FPT Retail xuống 8,6%. Tổng số cổ phần FRT mà nhóm quỹ này đã thoái từ giữa tháng 11 tới nay là hơn 3,6 triệu đơn vị.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/12, cổ phiếu FRT tăng 1.350 đồng lên 28.150 đồng/cổ phiếu.

Trong 9 tháng đầu năm, FRT ghi nhận doanh thu đạt 10.729,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 13,7% và 96% so với 9 tháng đầu năm 2019.

Trong quý III/2020, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần 3.432 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí bán hàng tăng thêm 35 tỷ đồng trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm 11 tỷ đồng, góp phần khiến FPT Retail lỗ sau thuế 6,7 tỷ đồng. 

Theo lãnh đạo FPT Retail, dịch COVID–19 đã ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của công ty, sức mua của thị trường giảm đáng kể đối với các mặt hàng thiết bị điện tử và mặt hàng giá trị cao.

Ngoài ra, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu tiếp tục mở rộng từ 50 cửa hàng vào cuối quý III/2019 lên thành 176 cửa hàng vào cuối quý III năm nay.

Tính đến ngày 30/9/2020, tổng tài sản của FPT Retail giảm hơn 27% so với thời điểm đầu năm về 4.752 tỷ đồng. Trong đó các khoản tiền và tương đương tiền giảm hơn 353 tỷ đồng, ghi nhận tại báo cáo tài chính quý III là hơn 498 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm hơn 1.300 tỷ đồng, đạt giá trị 2.011 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của FPT Retail tại cuối quý III là 3.542 tỷ đồng.

Lệ Vỹ