Dự án Công viên Sài Gòn Silicon rộng 52 ha sẽ bị thu hồi
Lãnh đạo UBND TP HCM đã yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với SHTP kiểm tra và đẩy nhanh thủ tục chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất với dự án Công viên Sài Gòn Silicon ngay trong năm 2023, vì chậm triển khai nhiều năm.
Dự án Công viên Sài Gòn Silicon (Saigon Silicon) được xây dựng trên diện tích 52 ha với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD (tương đương 860 tỷ đồng, thời điểm lúc bấy giờ). Khi hoàn thành, Saigon Silicon sẽ trở thành một đô thị thông minh, sẵn sàng về cơ sở hạ tầng và tiện ích nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu vực Thung lũng Silicon ở Mỹ về đầu tư.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ tiến hành xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng chung cho toàn khu công viên, như: Nhà điều hành gồm bốn toà nhà cao năm tầng đối xứng nhau; khu Techshop, phòng hội nghị 500 chỗ ngồi, nhà máy sản xuất bo mạch điện tử và lắp ráp linh kiện... Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hạng mục khác theo quy hoạch được duyệt, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2020.
Tòa nhà Saigon Silicon City Center là trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của dự án Saigon Silicon, được khởi công tháng 8/2016 trên khu đất có diện tích khuôn viên là 11.368 m2. Đây là trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ, kết nối cộng đồng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ công nghệ cao của người Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong tòa nhà trung tâm này, cùng một vài công trị phụ trợ thì dự án đã dừng lại và bị bỏ hoang. Đến năm 2019 thì dự án dừng hẳn, cả công trường chỉ là một bãi hoang phế, nhiều cơ sở đã xây dựng và chưa hoàn thiện, đã xuống cấp…
Do diện tích đất của dự án quá lớn, lại không triển khai tiếp tục dự án và bỏ hoang, nhằm thu hút các nhà đầu tư mới vào SHTP, tháng 10/2021, Ban quản lý SHTP đã đề nghị Ủy ban nhân dân TP.HCM tiến hành thu hồi dự án này.
Tại hội nghị triển khai hoạt động của SHTP năm 2023, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoàn đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào SHTP theo đặc thù của Thành phố, tránh trường hợp doanh nghiệp đăng ký vào lấy đất nhưng làm việc khác.
Về phía SHTP, Ban quản lý SHTP cho biết sắp tới sẽ cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp tiến hành các thủ tục thu hồi giấy phép đầu tư của dự án.
TP HCM tập trung gỡ vướng mắc thủ tục đầu tư
Tại Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng 17/2, Phó Chủ tịch TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết, Thành phố đặt mục tiêu trong 05 năm 2021-2025 phấn đấu đạt 50 triệu m2 sàn; qua quá trình thực hiện của năm 2021-2022 đã đạt khoảng 28%.
Trong 2 năm 2021-2022 có 47 dự án với hơn 28.000 căn hộ được đưa ra thị trường.
"Các sản phẩm, các thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố. Chúng tôi sẽ điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung cầu, hiện đang có xu hướng lệch về phân khúc trung cấp", ông Cường nói.
Về phương hướng sắp tới, TP HCM sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư đối với dư án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ, đặc biệt hiện nay thành phố đang tập trung 18 dự án nhà ở xã hội ưu tiên cũng như 16 dự án chung cư xuống cấp để thúc đẩy trong năm 2023.
Thành phố cũng tập trung hoàn tất công tác điều chỉnh quy hoạch, nhất là trong quá trình thực hiện quy hoạch chung của TP HCM (dự kiến trong tháng 9 năm nay sẽ trình), quy hoạch chung TP Thủ Đức cuối năm nay sẽ trình.
TP HCM cũng tập trung phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật để kết nối vành đai 2, vành đai 3, cao tốc TP HCM - Mộc Bài...các dự án cải tạo vành đai trung tâm, tập trung thúc đẩy các dự án lớn.
Quá trình thực hiện, đối với nhóm sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án bất động sản chậm tiến độ về pháp lý, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án mà chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn với lợi ích của người dân.
Thành phố sẽ lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án bất động sản. Hiện nay khoảng 116 dự án, trong đó có 3 dự án ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quy định đầu tư kinh doanh bất động sản, các dự án bất động sản có vi phạm về xây dựng, các dự án vi phạm về bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu công trình đã đưa vào sử dụng.
Tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, tăng tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân khi kinh doanh bất động sản sàn giao dịch.