Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Sẵn sàng tiếp quản, vận hành... những vẫn phải chờ

11:45 | 23/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND TP Hà Nội có quyết định ban hành Quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13km  với 12 ga đưa đón khách, trên lộ trình: Cát Linh-La Thành-Thái Hà-Láng-ĐH Quốc gia-vành đai 3-Thanh Xuân-Bến xe Hà Đông-trung tâm Hà Đông-La Khê-Văn Khê-Bến xe Hà Đông mới và khu đề-pô tại Ba La (Hà Đông). Tuyến đường sắt dự kiến có tần suất hoạt động từ 4 đến 6 phút/lượt, tốc độ vận chuyển tối đa 80km/h. 
 
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công từ tháng 10/2011, tiến độ hoàn thành vào tháng 6/2015 với tổng mức đầu tư 552 triệu USD (chủ yếu từ nguồn vốn ODA Chính phủ Trung Quốc). Tuyến đường sắt đã có một số lần chạy thử nhưng vì nhiều lý do nên chưa vận hành chính thức.
 
Liên quan đến việc vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, UBND TP Hà Nội vừa có quyết định ban hành Quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 29/10. 
 
Quy định vận hành, khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Quy định về vận hành, khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông có hiệu lực từ ngày 29/10
 
Theo quyết định, Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội có trách nhiệm ban hành biểu đồ chạy tàu tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông để tổ chức triển khai thực hiện và gửi cơ quan chức năng để giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu chậm nhất 10 ngày trước ngày biểu đồ chạy tàu có hiệu lực thi hành.
 
Sau khi ban hành biểu đồ chạy tàu, Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội có trách nhiệm công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và tại các ga.
 
Về tiến độ triển khai dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, các chuyên gia của Trung Quốc đã sang Việt Nam và đang thực hiện công tác hoàn thiện các hạng mục còn lại cảu dự án. Một số chuyên gia khác sang Việt Nam trong thời gian tiếp theo, nhằm phục vụ công tác đánh giá an toàn hệ thống.
 
Tuy nhiên, hiện đoàn chuyên gia Pháp vẫn chưa có mặt tại Việt Nam nên đến thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa xác định được lịch cụ thể đoàn chuyên gia này sẽ đến nước ta làm việc.
 
Bộ Giao thông vận tải cho rằng,d dây là vấn đề đáng lo ngại, bởi dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chỉ có thể đưa vào vận hành thương mại khi đoàn chuyên gia Pháp đánh giá an toàn hệ thống. Như vậy, hiện nay chúng ta vẫn phải chờ đợi.
 
Còn về việc, đường sắt đô thị này có thể khai thác thương mại trong năm 2020 không thì đại diện Bộ Giao thông Vận tải nói, chỉ khi nào vận hành thử toàn hệ thống và kết quả đánh giá an toàn hệ thống thì mới đưa ra được quyết định.

 
Hương Quỳnh (t/h)