Dự báo doanh thu mảng xây lắp bứt phá, đưa Đèo Cả (HHV) vào giai đoạn lợi nhuận tăng trưởng kép trong 2023-2024

Thùy Dương 10:44 | 03/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam còn rất lớn về dài hạn, với lợi thế năng lực thi công tốt và giá trị backlog (đơn hàng tồn đọng) lớn, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) được dự báo lãi ròng sẽ đạt mức tăng trưởng kép giai đoạn 2023 - 2024.

Trong quý đầu năm, HHV ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 539 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ (svck) quý I/2022, trong đó doanh thu từ thu phí BOT chiếm gần 72% tỷ trọng tổng doanh thu, tiếp đó là doanh thu từ hoạt động xây lắp với 25%. 

Tuy nhiên, do giá vốn có mức tăng hơn doanh thu (tăng 60%) khiến lãi gộp trong quý của công ty tăng không đáng kể (tăng 1%), đạt gần 259 tỷ đồng. Lãi ròng quý I cũng tăng nhẹ 4% lên gần 83 tỷ đồng svck quý I năm ngoái.

 

Theo báo cáo phân tích ngày 27/6, CTCK VNDIRECT dự báo lãi ròng giai đoạn 2023 - 2024 của HHV sẽ đạt mức tăng trưởng kép 22,1%/năm. Cụ thể, nhóm phân tích kỳ vọng lợi nhuận năm nay đạt 304 tỷ đồng, tăng 15,3% và 390 tỷ đồng cho năm sau, tương ứng tăng trưởng 28% svck năm ngoái, nhờ giá trị backlog lớn hiện tại.

Cụ thể,  VNDIRECT ước tính giá trị backlog của công ty tại cuối quý I là 2.907 tỷ đồng, tương đương 6 lần trung bình doanh thu của giai đoạn 2020 - 2022. Đây sẽ là tiền đề giúp doanh thu mảng xây lắp của HHV bứt phá tăng lần lượt 87% và 21% svck lên 991 tỷ đồng và 1.200 tỷ đồng giai đoạn 2023 - 2024, theo dự phóng của nhóm phân tích. 

Đáng chú ý, trong dự phóng trên của VNDIRECT, nhóm phân tích chưa tính đến khả năng HHV được Nhà nước chấp thuận hỗ trợ 3.460 tỷ đồng tại dự án BOT (Build-Operation-Tranfer: Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) hầm đường bộ qua Đèo Cả. Nếu thành công, ước tính tỷ lệ Nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu của HHV sẽ giảm mạnh xuống mức 2,1 lần từ mức 2,4 lần tại cuối quý I, qua đó giảm áp lực tài chính cho công ty. 

Ở giai đoạn 2023 - 2024, VNDIRECT nhận định mảng xây lắp sẽ là động lực tăng trưởng cho công ty. Theo đó, với hàng loạt công trình giao thông quy mô lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao như hầm xuyên núi, hầm bao biển, cao tốc,… đã hoàn thành, mới đây, HHV là số ít các nhà thầu được chỉ định tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với tổng giá trị xây lắp đạt 1.759 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh thu mảng thu phí BOT giai đoạn 2023 - 2024 dự báo sẽ tăng lần lượt 12,5% và 10,7% svck lên 1.669 tỷ đồng và 1.847 tỷ đồng nhờ ba trạm BOT thuộc dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả tăng giá vé 18% trong 6 tháng cuối năm 2023 và các trạm BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và QL1 tăng giá 15% trong năm 2024. 

Là 1 trong những nhà phát triển BOT lớn nhất cả nước với tổng mức đầu tư gần 40.000 tỷ đồng, HHV được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào hạ tầng của Chính phủ.  Theo đó, sau khi tái cơ cấu doanh nghiệp vào năm 2019, công ty đã nhận lại phần vốn góp tại 4 dự án BOT, bao gồm dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả; dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; hầm Phước Tượng - Phú Gia và mở rộng quốc lộ 1A (QL1A) đoạn qua tỉnh Khánh Hòa.

VNDIRECT nhận định mặc dù một số dự án BOT của HHV hiện đang chưa được thu đúng như phương án tài chính đã ký kết với Nhà nước (thu thiếu trạm, không được tăng giá vé theo kỳ hạn,…), gây ảnh hưởng đến dòng tiền của mảng thu phí BOT trong ngắn hạn, nhóm phân tích vẫn đánh giá đây sẽ là mảng kinh doanh mang lại nguồn thu ổn định của công ty trong dài hạn (ước tính khoảng 3.700 - 3.800 tỷ đồng/năm từ giai đoạn 2030 - 2031) khi tiềm năng tăng trưởng của lưu lượng phương tiện giao thông tại Việt Nam còn rất lớn.

Bên cạnh đó, nhằm thu hút vốn đầu tư ngoài Nhà nước trong phát triển hạ tầng giao thông, VNDIRECT kỳ vọng dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả sẽ được Nhà nước chấp thuận hỗ trợ 3.460 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2024, từ đó giúp cải thiện sức khỏe tài chính của công ty.

 

Chung nhận định, báo cáo cuối tháng 5 từ CTCK Vietcap (VCSC) cho rằng giá trị backlog cao sẽ hỗ trợ doanh thu mảng xây dựng cho HHV trong giai đoạn 2023 - 2025.

Theo thống kê của VCSC, các hợp đồng dự án xây dựng mới của công ty có trị giá khoảng 16 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, trong giai đoạn cuối 2022 - đầu 2023, HHV công bố công ty đã trúng các gói thầu cho 3 dự án thành phần xây dựng đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam (NSE) – Giai đoạn 2 trị giá 15 nghìn tỷ đồng. HHV cũng trúng thầu cho dự án xây dựng đường ven biển Bình Định, các dự án thành phần thuộc dự án đường Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo và dự án nâng cấp mở rộng Đèo Prenn. 3 dự án này đóng góp 1,3 nghìn tỷ đồng trong giá trị backlog hiện tại của công ty.

Với tổng giá trị các hợp đồng trúng thầu là 16 nghìn tỷ đồng (tương đương 7,5 lần doanh thu năm 2022) và thời gian hoàn thành dự kiến chậm nhất vào năm 2026, nhóm phân tích tin rằng các dự án này sẽ đảm bảo doanh thu xây dựng của công ty trong 3 năm tới.