Dù đấu giá, đất vùng ven Hà Nội vẫn cao ngất ngưởng

Đông Bắc 11:18 | 10/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Huyện Mê Linh (Hà Nội) tổ chức thành công phiên đấu giá đất thứ 2 đối với 20 thửa đất tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm. Đáng chú ý, giá trúng cao nhất hơn 70 triệu đồng/m2.

 

 

 Huyện Mê Linh tiếp tục tổ chức thành công phiên đấu giá đất, giá trúng cao nhất 75 triệu đồng/m2. Ảnh TTML.

Ngày 8/8 vừa qua, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp danh Đấu giá Việt Nam tổ chức thành công phiên đấu giá  đối với 20 thửa đất tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm.

Các thửa đất có tổng diện tích 1.655 m2 (từ 71,58 m2 đến 152,97 m2). Giá khởi điểm 27,1 triệu đồng đến 39,27 triệu đồng/m2, bước giá 200.000 đồng/m2.

Các khu đất nằm tại vị trí 1 và 2 đường từ Trung tâm hành chính huyện đi thôn Yên Vinh. Ranh giới phía Tây Bắc giáp đường hiện trạng, phía Đông Bắc và Đông Nam giáp đường hiện có và chùa Yên Vinh, phía Tây Nam giáp đường quy hoạch 17m. Dự án đã được giải phóng mặt bằng, đã hoàn thành công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật để phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất.

Tại phiên đấu giá, khách hàng đấu giá từng thửa đất bằng hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng đấu, phương thức trả giá lên và mở phiếu công khai. Kết quả trúng đấu giá được xác định là người trả giá cao nhất cho từng thửa đất.

Kết quả, 20 lô đất đã được đấu giá thành công. Trong đó, lô 7 có diện tích là 89,91 m2 có mức giá trúng cao nhất là 70,3 triệu/m2. Tổng số tiền trúng đấu giá thu về gần 76 tỷ đồng.

Cũng tại xã Thanh Lâm, đầu tháng 6 vừa qua, 17 thửa đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh cũng được đấu giá thành công với tổng số tiền trúng đấu giá hơn 98 tỷ đồng (chênh 39,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm).

Trong đó, lô 01 có diện tích 129,7m2 nằm ở vị trí lô góc có mức giá trúng cao nhất 85,5 triệu đồng/m2, tương đương gần 11,1 tỷ đồng. Lô đất 02 có diện tích 95,6m2, giá trúng là 75,5 triệu đồng/m2, tương đương hơn 7,2 tỷ đồng.

Trước đó, tại thị trấn Chi Đông, 33 lô đất vàng thuộc điểm X1, Tổ dân phố số 2 mới đây đã được đấu giá thành công với tổng số tiền trúng đấu giá gần 226 tỷ đồng (chênh 96,5 tỷ đồng so với giá khởi điểm).

Trong đó, lô LK-B-01 có diện tích 160 m2 có mức giá trúng cao nhất 93 triệu đồng/m2, tương đương gần 15 tỷ đồng (hơn 93 triệu đồng/m2), chênh 8,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 01 lô góc ký hiệu LK-A-01 có diện tích 193m3, cũng được đấu thành công với mức trúng 87,2 triệu đồng/m2, tương đương 16,8 tỷ đồng, chênh 8,3 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Các lô còn lại thuộc băng 1 đường Chi Đông có giá trúng dao động từ 70 triệu đồng đén 75 triệu đồng/m2. Các lô băng 2 có giá trúng dao động từ 45 triệu đồng đến 62 triệu đồng/m2.

 Khu đất đấu giá thành công tại Thị trấn Chi Đông (Mê Linh). Ảnh TTML.

Đấu giá đất với giá cao bất thường, chuyên gia cảnh báo

Trước tình trạng đấu giá đất ồ ạt và giá tăng bất thường, GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) chia sẻ trên báo Tiền Phong rằng: "Sai lầm của chúng ta là cứ dồn dập đấu giá đất, mà chưa quan tâm đến hiệu quả sử dụng đất.

GS Đặng Hùng Võ cho biết, thực tế, các cuộc đấu giá đất ở nước ta luôn có giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Từ đó, tạo ra một môi trường đầu tư với giá đất cao hơn bình thường. Và khi đầu vào đất đai cao, giá hàng hóa sản xuất cao theo. "Điều này cho thấy, nếu đấu giá đất cao, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế sẽ kém đi. Vậy thì Việt Nam chẳng phải đang lấy đá ghè vào chân", ông Võ nói.

Cũng theo GS Võ, chỉ nên đấu giá những mảnh đất “vàng”, đất "kim cương” có vị trí đắc địa, có một không hai, mà chưa giao, chưa cho thuê, chưa có người sử dụng trong các đô thị, mảnh đất mà đại gia nào cũng “thèm khát” sở hữu, chứ không phải mảnh đất nào cũng đấu. Nghĩa là, không nên phổ cập đấu giá đất.

“Nhược điểm của cơ chế đấu giá đất hiện hành là không quy định về hiệu quả sử dụng đất sau khi đấu giá thành công. Mà chỉ lấy riêng chỉ tiêu tài chính, thậm chí doanh nghiệp nào trả giá cao chênh 1 đồng thôi là đã trúng đấu giá. Thế nhưng, tiếp theo đó họ sử dụng đất vào việc gì thì pháp luật lại không quy định.

Do đó, có nhiều trường hợp sau khi trúng đấu giá thì quây tôn khu đất đắc địa nhiều năm rồi bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất đai và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc đấu giá đất phải đi đôi với quy hoạch. Nghĩa là doanh nghiệp trúng đấu giá phải thực hiện dự án theo quy hoạch, không phải cứ bỏ nhiều tiền là trúng.

Thậm chí, cho dù doanh nghiệp đấu giá đất ở mức "trên trời" nhưng không mang lại hiệu quả môi trường, phát thải không giảm, ô nhiễm môi trường tăng lên,… thì chúng ta cũng không lựa chọn", GS Võ nhấn mạnh.