Bộ Xây dựng cảnh báo xuất hiện 'cò đấu giá đất', thao túng thị trường sau khi Hà Nội liên tiếp dừng đấu giá đất
Liên tiếp dừng các phiên đấu giá đất
Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia ngày 23/9 đã có thông báo tạm dừng tổ chức phiên đấu giá 26 thửa đất thuộc khu Đồng Sậy - Trẫm Sau (giai đoạn 2), thị trấn Phùng. Việc này được thực hiện theo yêu cầu UBND huyện để rà soát công tác đấu giá theo quy định hiện hành (Luật Đất đai 2024).
Khách hàng đăng ký tham gia đã nộp đặt cọc, mua hồ sơ đấu giá sẽ được nhận lại tiền. Cuộc đấu giá sẽ được tổ chức lại, sau khi có quyết định và đề nghị của UBND huyện Đan Phượng.
Theo kế hoạch ban đầu, buổi đấu giá sẽ diễn ra vào sáng ngày 30/9. Các thửa đất có diện tích dao động từ 55 m2 đến 99 m2, giá khởi điểm từ 14 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước từ gần 193 triệu đến hơn 278 triệu đồng/lô.
Cuộc đấu giá sẽ diễn ra theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng tại cuộc đấu giá và tối thiểu qua 5 vòng bắt buộc. Việc bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng tại cuộc đấu giá kết thúc khi không còn ai tham gia trả giá. Cách thức tổ chức là đấu giá từng thửa theo phương thức trả giá lên.
Cách đây ít ngày, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia cũng có thông báo tạm dừng tổ chức đấu giá 26 thửa đất tại khu Trũng Vỡ, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng với cùng lý do.
Các thửa đất có diện tích từ 75 đến 102,2 m2, đều có giá khởi điểm là 13,1 triệu đồng mỗi m2. Tiền đặt trước để tham gia đấu giá tương ứng từ 196 triệu đến gần 268 triệu đồng/thửa. Phiên đấu giá này phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc, với bước giá 12 triệu đồng/m2. Việc bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng tại cuộc đấu giá kết thúc khi không còn ai tham gia trả giá.
Như vậy, huyện Đan Phượng đã thông báo dừng 2 phiên đấu giá đất liên tiếp và trong bối cảnh cơ quan chức năng đang rà soát những phiến đấu giá có giá trúng cao bất thường thời gian gần đây tại vùng ven Hà Nội.
Hơn một tháng qua, các cuộc đấu giá đất tại loạt huyện ven như Thanh Oai, Hoài Đức đã gây xôn xao thị trường với mức trúng cao kỷ lục trên 100 triệu đồng/m2. Sau đó, các cơ quan quản lý đã yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh công tác đấu giá đất trên địa bàn TP Hà Nội.
Trong số 68 lô đất trúng đấu giá ở huyện Thanh Oai, mới có 13 nhà đầu tư nộp tiền dù đã hết thời hạn thanh toán. Các lô này chỉ có giá trúng từ 51,6 triệu đến 55 triệu đồng/m2. Còn 55 lô trúng từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng /m2 đều bỏ cọc, không nộp tiền...
Bộ Xây dựng: Xuất hiện "cò đấu giá đất" nhằm thao túng thị trường
Bộ Xây dựng vừa có Báo cáo số 5333 gửi Văn phòng Chính phủ về phân tích cơ cấu giá thành, giá bán và nguyên nhân tăng giá bất động sản, đề xuất giải pháp.
Bên cạnh những lợi ích đạt được, theo Bộ Xây dựng, việc đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, tiêu cực. Trong quá trình tổ chức đấu giá đất tại một số nơi còn có hiện tượng "cò đấu giá", thông đồng... ảnh hưởng đến người tham gia đấu giá.
"Hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá nhằm thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi và thậm chí mang tính tổ chức", Bộ Xây dựng nhận định.
Bộ Xây dựng cũng chỉ ra một số cuộc đấu giá tại Hà Nội có kết quả rất cao, như đấu giá đất tại huyện Hoài Đức với mức trúng đấu giá cao gấp 18 lần so với khởi điểm.
Theo Bộ Xây dựng, có 3 nguyên nhân chính tác động đến kết quả đấu giá đất thời gian qua: Thứ nhất là mức giá khởi điểm thấp thu hút nhiều người tham gia; Thứ hai là số tiền đặt cọc thấp; Thứ ba là trong các cuộc đấu giá có nhiều hội nhóm đầu tư chuyên tham gia đấu giá rồi bán ngay để kiếm lời. Bên ngoài khu vực đấu giá, đông môi giới chờ kết quả, sẵn sàng chào mua, bán đất đấu giá với giá chênh 200-500 triệu đồng/lô.
Bộ Xây dựng cũng nhận định rằng, kết quả trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ có tác động tiêu cực đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường nhà ở, bất động sản. Theo đó, mức giá này sẽ được lấy làm thông tin tham chiếu, xác định giá đất rồi tạo ra một mặt bằng giá mới thậm chí cao hơn nhiều cho khu vực lân cận điểm đấu giá.
Điều này có lợi cho các dự án đã được giao đất và đã nộp tiền sử dụng đất, nhưng lại gây bất lợi cho các dự án đã được chấp thuận nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất.
Lý do là một trong các phương pháp để xác định giá đất là phương pháp so sánh trực tiếp thông qua việc phân tích mức giá của các thửa đất trống tương tự về mục đích sử dụng đất, vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng, diện tích, hình thể, tính pháp lý về quyền sử dụng đất đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất để so sánh, xác định giá của thửa đất cần định giá.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đánh giá việc trúng đấu giá đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với khởi điểm còn ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang chào bán lân cận địa điểm đấu giá.
Thực tế, giá trúng đấu giá đất thường là giá cơ sở để các tổ chức, cá nhân tham chiếu và xác định giá mua, bán, chuyển nhượng khi giao dịch bất động sản.
"Giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào và kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản. Các doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án bình dân, giá thấp mà bắt buộc phải đầu tư bất động sản cao cấp, siêu sang phục vụ cho các đối tượng thu nhập rất cao trong xã hội mới có thể thu hồi vốn và kinh doanh có hiệu quả. Từ đó, gây thêm khó khăn cho người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình trong việc tạo lập nhà ở", Bộ Xây dựng phân tích.
Nêu giải pháp ngăn chặn viêc lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá đất nhằm trục lợi, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết: Cần có những biện pháp quyết liệt và đồng bộ từ phía chính quyền. Những giải pháp này, nếu được thực hiện đồng bộ, sẽ góp phần đáng kể vào việc kiểm soát tình trạng thổi giá và đầu cơ trên thị trường bất động sản.
Thứ nhất, cần tăng cường giám sát chặt chẽ các cuộc đấu giá đất, nâng mức đặt cọc đấu giá và yêu cầu minh bạch thông tin về người tham gia đấu giá. Điều này giúp giảm thiểu sự tham gia của các nhóm đầu cơ và đảm bảo rằng các cuộc đấu giá diễn ra công bằng, minh bạch.
Thứ hai, theo kinh nghiệm quốc tế, biện pháp hiệu quả để ngăn chặn đầu cơ là áp dụng thuế cao đối với đất đai không sử dụng hoặc bị đầu cơ. Thuế cũng cần được áp dụng đối với các giao dịch mua bán đất ngắn hạn, nhằm giảm bớt động cơ đầu cơ và rửa tiền. Áp dụng hệ thống thuế suất lũy tiến dựa trên giá trị bất động sản, trong đó thuế suất tăng lên khi giá trị bất động sản cao hơn. Giải pháp này giúp làm tăng chi phí đầu cơ, từ đó giảm sự hấp dẫn của việc đầu tư vào bất động sản chỉ nhằm kiếm lợi nhanh chóng.