Dự kiến Bộ Tài chính sẽ phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ
Báo cáo của Chính phủ về Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới đây đã đề xuất Quốc hội cho ý kiến chấp thuận việc Ngân sách nhà nước (NSNN) có thể vay các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính-NSNN hàng năm hoặc các nguồn khác.
Đồng thời, cho phép Bộ Tài chính phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.
Theo kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025, dự kiến mức phát hành trái phiếu chính phủ là 500.000 tỷ đồng/năm, chưa tính đến lượng trái phiếu chính phủ phát hành để thực hiện Chương trình phục hồi.
Theo mức kế hoạch này, dự kiến nếu tổ chức tín dụng (TCTD) duy trì tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ như hiện nay (42,3%) thì hàng năm TCTD sẽ mua ròng thêm khoảng 211.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ phát hành mới.
Do đó, chính sách tiền tệ cần có sự điều tiết hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa không làm ảnh hưởng lớn đến mặt bằng lãi suất thị trường, tiết kiệm chi phí phát hành trái phiếu chính phủ cho NSNN.
Đồng thời, NHNN cần theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ để sẵn sàng bán can thiệp khi thị trường và tỷ giá có biến động để bình ổn tâm lý thị trường trong trường hợp Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ ngoại tệ trong nước. Mức trái phiếu ngoại tệ dự kiến phát hành khoảng 3 tỷ USD.
Báo cáo cho biết tại thời điểm hiện nay, quy mô ngoại tệ của nền kinh tế lớn hơn rất nhiều so với so với cách đây 5-6 năm, tăng từ 25 tỷ USD đầu năm 2016 lên 102,3 tỷ USD vào cuối tháng 7/2021. Việc phát hành TPCP ngoại tệ chỉ cho các tổ chức tín dụng được phép.
Tuy nhiên, theo các số liệu huy động và sử dụng ngoại tệ hiện nay của hệ thống ngân hàng, huy động qua kênh này khó khả thi, mặt khác nếu huy động sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng, không loại trừ khả năng NHNN phải can thiệp để giữ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
Hiện, tổng số huy động ngoại tệ trong nước của hệ thống TCTD khoảng 41 tỷ USD trong khi tín dụng ngoại tệ khoảng 25 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ tín dụng/huy động ngoại tệ của hầu hết TCTD trong nước (ngoại trừ các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam) đều trên 100% (nhóm NHTM nhà nước khoảng 108% và nhóm NHTM cổ phần khoảng 103%).
Điều này đồng nghĩa với việc các TCTD trong nước hiện nay đang cho vay vượt quá khả năng huy động ngoại tệ trong nước của mình.
Do đó, để cân đối cho nhu cầu cho vay của mình các TCTD trong nước hiện đang phải huy động ngoại tệ từ nước ngoài thông qua vay nợ nước ngoài, phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế. Hiện tại, tổng kim ngạch huy động vốn nước ngoài của hệ thống TCTD trong nước đã lên đến trên 18 tỷ USD.
Trong tháng cuối cùng của năm 2021, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ 900 triệu USD sau 4 lần chào mua, gấp nhiều lần con số của các tháng trước.
Theo đánh giá của BVSC, nhận định động thái này của KBNN cho thấy thiện chí của các cơ quan chức năng trong việc duy trì thanh khoản thị trường dồi dào để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, KBNN cũng có thể tận dùng thời điểm hiện tại khi giá mua vào ngoại tệ ở mức thấp (thấp nhất kể từ 2018 tới nay) để tăng dự trữ ngoại tệ và phục vụ cho các nhu cầu chi tiêu bằng ngoại tệ.