Đức gặp khó khăn trong việc kiếm nguồn thay thế nguyên liệu thô nhập khẩu của Nga

Phương Hoa/TTXVN 20:22 | 11/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hầu như tất cả các cuộc tranh luận xung quanh mối quan hệ kinh tế giữa Đức với Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đều tập trung vào khí đốt và dầu mỏ.

Đức mua nhiều dầu và khí đốt của Nga hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào, khiến năng lượng trở thành mặt hàng xuất khẩu sinh lợi nhất của Nga với Đức cho đến nay. Tuy nhiên, nhiều công ty Đức dựa vào nguồn cung ổn định nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của Nga, đặc biệt là các nguyên liệu thô như nickel, palladium, đồng và crom.

Theo Cơ quan Giám sát kinh tế MIT, năm 2020, Nga là nhà cung cấp nickel thô lớn nhất của Đức, chiếm 39% nguồn cung nickel của Đức. Nga cũng cung cấp khoảng 25% lượng palladium nhập khẩu của Đức và khoảng 15% đến 20% kim loại nặng crom và cadmium, được sử dụng trong công nghiệp. Ngoài ra, 11% đồng tinh chế, 10,9% bạch kim và 8,5% quặng sắt nhập khẩu của Đức cũng đến từ Nga trong năm 2020.

Nghiên cứu mới đây của Viện Kinh tế Đức, có trụ sở tại Cologne, thừa nhận rằng một số nguyên liệu thô mà Đức nhập khẩu của Nga sẽ khó có thể thay thế. Theo viện này, Đức rất cần tìm kiếm các đối tác thương mại thay thế Nga để nhập khẩu những nguyên liệu thô này, trong đó, nickel là thành phần nguyên liệu quan trọng đặc biệt. Hiện đối tác xuất khẩu nickel thô lớn thứ hai vào thị trường Đức sau Nga trong năm 2020 là Hà Lan với tỷ trọng 29%.

Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk từng viết trên trang Twitter cá nhân từ tháng 7/2020: “Nickel là thách thức lớn nhất đối với pin dung lượng lớn”. Giá nickel loại một đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua và xung đột Nga - Ukraine khiến giới đầu tư lo ngại rằng Nga có thể áp đặt lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Volkswagen, một trong những công ty đặt mục tiêu trở thành một nhà sản xuất xe điện (EV) lớn nhất thế giới, mới đây thông báo đã đạt được thỏa thuận với các công ty Huayou Cobalt và Tsingshan Group của Trung Quốc để xây dựng một liên doanh nhằm đảm bảo nguồn cung cobalt và nickel thô ở Indonesia, một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, sự không chắc chắn về nguồn cung nguyên liệu thô của Nga vẫn là yếu tố đeo bám thị trường. Một số nhà phân tích dự báo rằng chỉ riêng cuộc khủng hoảng nickel sẽ làm tăng thêm ít nhất 1.000 USD (919 euro) chi phí mua một chiếc ô tô điện mới với người tiêu dùng. Nickel được sử dụng trong sản xuất thép không gỉ nhưng cũng là một thành phần quan trọng cho pin lithium-ion cần thiết để cung cấp năng lượng cho ô tô điện. Palladium cũng rất quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô, vì đây là một thành phần quan trọng trong sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác, giúp làm sạch khói thải trong xe chạy xăng và xe hybrid (xe lai).