Được cho phép, khối ngoại có thể "mua đứt" Masan Group
Theo báo cáo thường niên 2020 của Masan Group, tại ngày 31/12/2020, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đang là 33,59%.
Trong đó, cổ đông tổ chức nước ngoài lớn nhất là SK Investment Vina I Pte - một nhánh của tập đoàn đa ngành Hàn Quốc SK Group. SK Investment Vina I Pte hiện nắm 109,9 triệu cổ phần, tương ứng 9,35% vốn điều lệ Masan Group.
Một cổ đông ngoại khác là Ardolis Investment thuộc Quỹ đầu tư của chính phủ Singapore (GIC), nắm 8,93% vốn điều lệ Masan Group.
Dây chuyền nhà máy hiện đại của Masan High-Tech Materials tại Việt Nam
Trong quý 1/2021, doanh thu của Masan đạt 19.977 tỷ đồng, tăng trưởng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này đạt được nhờ các thành viên của tập đoàn đã đạt tăng trưởng mạnh. Trong đó, Masan Consumer Holdings tăng trưởng 18,8%, Masan MEATLife tăng trưởng 38,5% và Masan High-Tech Materials tăng trưởng 178,2%.
Năm 2021, Masan Group đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần trong khoảng từ 92.000 đến 102.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng từ 19% đến 32% so với năm 2020. Lợi nhuận thuần đạt từ 2.500 đến 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng 103% đến 224% so với năm 2020. Biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) được kỳ vọng đạt mức từ 15-20%.
Masan hiện là tập đoàn sản xuất, kinh doanh, bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu lớn nhất Việt Nam. Từ khi dịch Covid-19 bùng nổ, nhu cầu với hàng tiêu dùng thiết yếu, nhu yếu phẩm tăng mạnh đã giúp kết quả hoạt động của Masan có nhiều đột biến.
Doanh nghiệp này hiện đã công bố chiến lược kết hợp cùng Techcombank đưa dịch vụ tài chính tới tận các cửa hàng bán lẻ của hãng trên toàn Việt Nam. Đồng thời với đó là ứng dụng công nghệ cấu trúc lại chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng.
T.T
Xem thêm: Tập đoàn Masan: “Gã khổng lồ” tỷ USD của ngành tiêu dùng, bán lẻ hàng đầu Việt Nam