Masan nói gì khi xuất hiện tin SK Group thoái vốn?

Trang Mai 17:27 | 30/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Gần đây, trên thị trường chứng khoán xuất hiện một số thông tin về việc Tập đoàn SK Group (Hàn Quốc) có thể thoái vốn và nhà đầu tư Bain Capital mới sẽ thực hiện hedging cho các giao dịch trái phiếu hoán đổi. Thông tin này đã khiến giá cổ phiếu MSN của Masan Group giảm sàn, xuống thấp nhất hai năm.

Trấn an về tin đồn SK thoái vốn

Theo thông tin được phía Tập đoàn Masan  (mã: MSN) đưa ra, trong tuần trước, thị trường chứng khoán xuất hiện một số tin đồn về việc SK có thể thoái vốn khỏi Masan cũng như Bain Capital - nhà đầu tư mới có thể thực hiện hedging (phòng vệ giá) cho các giao dịch trái phiếu hoán đổi. Điều này đẩy cổ phiếu Masan giảm sàn xuống thấp nhất 2 năm. 

Trong thông cáo báo chí, Masan khẳng định, với bối cảnh kinh tế khó khăn, Masan là công ty hiếm hoi trên thị trường thu hút thành công vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây. Khoản đầu tư vốn cổ phần của Bain Capital vào Masan Group có thể tăng lên 500 triệu USD. Số tiền thu được từ giao dịch này sẽ giúp giảm đòn bẩy tài chính, tối ưu bảng cân đối kế toán của Công ty.

"Đây thuần túy là giao dịch vốn đầu tư cổ phần, không có cơ cấu phòng vệ giá hoặc vay cổ phiếu MSN dẫn đến việc bán cổ phiếu MSN ra thị trường vào ngày phát hành. Cấu trúc của khoản đầu tư trên được thiết kế nhằm đảm bảo các lợi ích của cổ đông hiện hữu của MSN", thông cáo nêu rõ. 

Theo Masan, SK Group là đối tác dài hạn. Trên tinh thần đó, đối với phần vốn sở hữu của SK Group tại Masan, đôi bên đã thống nhất hợp tác cùng nhau để triển khai một lộ trình nhiều năm giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai doanh nghiệp.

 Những tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu MSN. Ảnh: L.H

Theo dữ liệu cập nhật ngày 27/10, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 419,8 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 29,34% vốn tập đoàn Masan. Trong đó, SK Investment Vina I Pte. Ltd (trụ sở Singapore), thành viên của SK Group (Hàn Quốc) là cổ đông lớn nước ngoài lớn nhất của Masan với tỷ lệ sở hữu hiện là 9,26%. 

Tháng 11/2018, cổ đông ngoại này rót vốn vào Masan Group (giá bình quân 100.000 đồng/cp) có điều khoản thoái vốn với số tiền gốc 470 triệu USD thông qua quyền chọn bán. Không chỉ đầu tư vào Masan, SK Group còn đầu tư hàng trăm triệu USD vào The CrownX.

Doanh thu thuần 9 tháng Tập đoàn đạt hơn 57.000 tỷ

Theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán quý III và 9 tháng đầu năm 2023 công bố cùng ngày, Masan ghi nhận doanh thu thuần quý III đạt 20.155 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 5.940 tỷ đồng, tăng 9,5%, biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 29,5% so với 27,8% của quý III/2022.

Kết quả, Masan lãi sau thuế 486 tỷ đồng, giảm 42,3%. Tuy nhiên, khoản giảm lãi đến chủ yếu từ tác động của tỷ giá. Nếu trừ khoản này, Masan lãi 983 tỷ trong quý III, tăng 37% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu của Masan Group đạt 57.470 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 

Mảng kinh doanh tiêu dùng của Masan bao gồm WinCommerce (WCM), Masan Consumer Holdings (MCH), Masan MEATLife (MML) và Phúc Long Heritage (PLH). 

Trong 9 tháng, The CrownX (công ty hợp nhất MCH và WCM) đạt doanh thu 41.704 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, đây cũng là lĩnh vực mang về doanh thu cao nhất cho MSN. 

Masan Meatlife  có doanh thu 5.207 tỷ đồng, tăng 16%. Theo giải trình, Masan cho biết nguyên nhân chính của sự tăng trưởng này đến từ giá lợn hơi, giá gà thịt cao hơn trong quý III so với nửa đầu năm 2023. Cũng trong quý này, mảng lợn trang trại ghi nhận biên lợi nhuận gộp là 30,8% (so với 11,6% trong nửa đầu năm 2023) và gà trang trại đạt biên lợi nhuận gộp là 14,4% (so với -17,1% trong nửa đầu năm 2023). Đối với mảng thịt chế biến, doanh thu tăng 35,9% lên 1.714 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, chủ yếu nhờ sản lượng tăng.

Trong 9 tháng, Phúc Long mang về 1.160 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ. 

Với Masan High-Tech Material (MHT) (doanh nghiệp chế tạo vật liệu công nghệ cao), trong 9 tháng mang về hơn 10.900 tỷ đồng, giảm 6,4%. 

Kế hoạch kinh doanh quý IV/2023

Theo kế hoạch từ MSN, WCM có kế hoạch nâng cao năng suất bán hàng, cải thiện mức tăng trưởng LFL để đạt mức doanh thu trên mỗi cửa hàng về mức của quý IV/2022.

MCH tiếp tục tập trung cải tiến, đổi mới cho sản phẩm đồ uống, HPC và thực phẩm tiện lợi để thúc đẩy tăng trưởng trong quý IV, đóng vai trò là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho năm 2024.

PLH đặt mục tiêu mở mới 11 cửa hàng trong quý IV và cải thiện doanh số trên mỗi cửa hàng về mức tương tự trong quý IV.

MML kỳ vọng cải thiện doanh số bán hàng hàng ngày tại mỗi điểm bán WCM từ 1,6 triệu đồng lên 2 triệu đồng bằng cách tập trung vào chiến lược giá linh hoạt để cải thiện doanh số các mặt hàng bán chậm, lập kế hoạch tích hợp với WCM để phân phối đúng chủng loại sản phẩm đến đúng cửa hàng.

MHT đặt mục tiêu tăng sản lượng bán ra với động thái chủ động xây dựng sổ nhu cầu khách hàng khi nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục và sẽ bán bớt lượng đồng tồn kho (đặt mục tiêu bán 18.000 dmt trong quý IV). MHT cũng sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tối ưu chi phí trong vận hành và thu mua, tìm kiếm các giải pháp chiến lược khác nhau để giảm nợ cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động nổ mìn với nhà thầu.

Trong 9 tháng đầu năm, Masan đã hoàn tất thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ đáo hạn vào năm 2023. Trong năm 2024, tổng mức trái phiếu đáo hạn rơi vào mức khoảng 6.000 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền hiện tại của công ty là hơn 14.000 tỷ đồng và EBITDA cho 12 tháng gần nhất là khoảng 14.000 tỷ đồng. 

Tiền mặt và các khoản tương đương tiền dự kiến có thể tăng thêm khoảng từ 4.900 tỷ đồng đến 12.250 tỷ đồng sau khoản đầu tư vốn cổ phần dẫn đầu bởi Bain Capital.