Giá đất huyện Hoài Đức ra sao khi dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua?

Đông Bắc 17:14 | 18/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thời gian qua, UBND huyện Hoài Đức (TP Hà Nôi) gấp rút triển khai hàng loạt cuộc họp Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư GPMB dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 trên địa bàn huyện với mục đích quyết tâm sớm hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó, giá đất huyện Hoài Đức cũng đã liên tục biến động trong thời gian qua.

 

Theo Phó Chủ tịch huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là tuyến giao thông huyết mạch tạo tính đột phá cho sự phát triển của Hà Nội nói chung và các địa phương có dự án đi qua nói riêng, trong đó có huyện Hoài Đức. Tại huyện Hoài Đức, dự án đường Vành đai 4 đi qua 12 xã, gồm: Đức Thượng, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Tiền Yên, An Thượng… được thiết kế quy mô mặt cắt ngang 120m với chiều dài khoảng 17,1km.

Theo chỉ đạo của UBND TP, phấn đấu đến hết tháng 6/2023 hoàn thành 70% công tác GPMB để tiến hành khởi công dự án. Nhận thức rõ vai trò, tính cấp bách trong thực hiện GPMB, huyện Hoài Đức đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác chỉ đạo và phân công các thành viên trong tổ công tác chỉ đạo thực hiện dự án. UBND huyện tổ chức ký giao ước thi đua thực hiện công tác GPMB giữa 12 xã có tuyến đường đi qua và các đơn vị của huyện.

 

 Huyện Hoài Đức đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để  dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 trên địa bàn. Ảnh KTĐT.

Huyện đã nhận bàn giao 285 mốc giới trên thực địa tại 10 xã với tổng diện tích khoảng 180,4ha. Trong đó, đất ở 0,67 ha; đất phi nông nghiệp 31,74 ha; đất trồng lúa 146,70 ha; các loại đất nông nghiệp khác 31,81 ha. Cũng trên cơ sở số mốc giới đã nhận bàn giao, huyện tổ chức rà soát có khoảng 5.000 mộ chí phải di dời; số hộ bị thu hồi đất khoảng 7.181 hộ và số hộ cần bố trí tái định cư là 105 hộ.

Đến nay, đã kê khai, quy chủ được 3.792 hộ sử dụng đất và 1.545 mộ; có 3 xã hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ; tổ chức di dời được 17 ngôi mộ của 8 hộ gia đình tại 2 xã Minh Khai, Dương Liễu; di dời được 1 ngôi mộ tổ tại xã Song Phương. Dự kiến, đến hết tháng 10/2022, UBND huyện sẽ ban hành thông báo thu hồi đất đối với các xã hoàn thiện xong công tác lập bản đồ, trích đo thửa đất.

Cùng với đó, tổ chức họp dân nhằm tuyên truyền, vận động các hộ ký hồ sơ kiểm đếm và biên bản đồng thuận. Đối với các xã có tuyến đường đi qua nhưng chưa được xác định mốc giới, bàn giao tại thực địa. Cùng với đó chỉ đạo tiếp tục rà soát, kê khai, lập danh sách các trường hợp nằm trong phạm vi thu hồi, đôn đốc các cơ quan liên quan sớm bàn giao mốc giới tại thực địa để triển khai các bước theo quy định.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, thời gian qua, các xã và  cơ quan chuyên môn của huyện đã thảo luận làm rõ kết quả triển khai thực hiện GPMB. Để đảm bảo tiến độ GPMB, các địa phương đề xuất Trung tâm Phát triển quỹ đất là cơ quan tham mưu, đẩy nhanh tiến độ đo đạc, lập bản đồ, trích đo thửa đất làm căn cứ tham mưu UBND huyện ra Thông báo thu hồi đất; đề nghị Ban quản lý dự án các công trình giao thông TP phối hợp với sở, ngành bàn giao mốc giới ngoài thực địa, tổ chức bàn giao mốc giới đối với các vị trí chưa được bàn giao; lựa chọn đơn vị đo đạc, lập bản đồ thu hồi đất.

Song song với đó, các xã có tuyến đường đi qua tổ chức rà soát, tổng hợp, lập danh sách các hộ sử dụng đất, từ đó thực hiện xác nhận hồ sơ kỹ thuật thửa đất đối với các hộ có đất bị thu hồi; tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân di chuyển mộ chí vào các nghĩa trang hiện trạng; chuẩn bị các điều kiện thực hiện chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang Nhân dân khi được phê duyệt dự án.

Lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức khẳng định: Thời gian qua, 12 xã và các phòng, ban của huyện đã tích cực phối hợp và cùng vào cuộc trong việc triển khai những bước đầu tiên thực hiện công tác GPMB dự án đường Vành đai 4. Đặc biệt là 2 xã Minh Khai, Dương Liễu đã bước đầu làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức di dời mộ chí...

 

 Huyện Hoài Đức phấn đấu lên quận vào năm 2024. Ảnh HNM.

Giá đất biến động tại Hoài Đức

Trên thực tế, ở Hoài Đức, đất thổ cư vẫn là lựa chọn của nhiều người khi có nhu cầu sinh sống tại Hoài Đức và là phân khúc chịu nhiều ảnh hưởng bởi thông tin lên quận và dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua. Giai đoạn 2011-2014, đất nền Hoài Đức từng lên cơn sốt trước thông tin lên quận. Thời điểm đó, một số lô đất được đẩy giá lên 40-50 triệu đồng/m2. Khi cơn sốt đi qua, thị trường chững lại, giá đất lao dốc không phanh chỉ còn 10-15 triệu đồng/m2 khiến không ít người lao đao.

Đến cuối năm 2018, thị trường nhà đất Hoài Đức  lại dậy sóng trước thông tin Hoài Đức lên quận vào năm 2020. “Đất nền Hoài Đức” trở thành cụm từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất hai quý cuối năm 2018, nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường Hoài Đức, đẩy giá đất nơi đây tăng trở lại.

Thời điểm đó, đất ở những khu vực có cơ sở hạ tầng tốt có giá chào bán từ 30-50 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Khu vực dọc quốc lộ 32 có mức giá cao nhất tại Hoài Đức, giá đất tại một số nơi ở xã Kim Chung được rao bán với giá từ 100 triệu đồng trở lên, thậm chí đất mặt tiền ở thị trấn Trạm Trôi được chào giá lên tới 120-130 triệu đồng/m2, cao gấp rưỡi thời điểm cuối năm 2017. Một phần là do khu vực này được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, có nhiều khu đô thị mọc lên.

Tuy nhiên, đáng chú ý là giao dịch thực không nhiều mà mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ. Từ cơn sốt hồi đầu năm 2021, đất thổ cư trong dân dù có diện tích nhỏ cũng đã thiết lập mặt bằng giá mới. Đơn cử, tại khu vực xã Kim Chung - Di Trạch, đất đấu giá khoảng 55-60 triệu đồng/m2, xã Đức Thượng, giá từ 50-55 triệu đồng/m2.

Đề án lên quận kéo theo hàng loạt dự án giao thông được đầu tư sẽ nâng tầm bất động sản Hoài Đức hơn nữa. Tuy nhiên, thực tế thì quy hoạch Hoài Đức lên quận đã có từ nhiều năm trước và huyện vẫn còn thiếu 5 tiêu chí để được xét duyệt. Vì thế, với người mua ở thực hay đầu tư thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là tính pháp lý của sản phẩm, điều kiện hạ tầng giao thông, kỹ thuật, xã hội của khu vực có phát triển hay không.

Thị trường bất động sản tại huyện Hoài Đức

Hoài Đức là huyện trong quy hoạch theo hướng phi nông nghiệp của thủ đô Hà Nội, thuộc khu phát triển dịch vụ, giao dịch kinh tế tài chính. Các chuyên gia đánh giá, huyện Hoài Đức đã có nền tảng tốt về cơ sở hạ tầng, các tuyến đường lớn được chú trọng, trong đó có đường sắt đô thị trên cao, trục đường Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32… đáp ứng nhu cầu giao thương, kết nối của người dân. Khu vực này dần hình thành trung tâm mới của thủ đô, chỉ cách vành đai 3, quận Cầu Giấy khoảng 10 km.

 

 Giá đất nền tại Hoài Đức thay đổi liên tục. Ảnh BĐS.

Vài năm trở lại đây, huyện Hoài Đức trở thành tâm điểm của phân khúc căn hộ bình dân với sự xuất hiện của loạt dự án như The Golden An Khánh, Gemek Premium,  Tân Việt Tower, Tricon Towers, XP HOMES Tân Tây Đô, Gemek Tower, Thăng Long Victory, Chung cư XP Homes Star, Bộ tư lệnh Cảnh Vệ, Đông La Residence.

Đặc biệt là các khu đô thị lớn như: Khu đô thị Vinhomes Thăng Long; Khu đô thị Bắc An Khánh; Khu đô thị Nam An Khánh; Khu đô thị Bắc Quốc lộ 32; Khu đô thị Vân Canh; Dự án Nam Quốc lộ 32; Khu đô thị An Khánh – An Thượng; Khu đô thị An Thạnh, khu đô thị Mai Linh – Đông Đô; Khu đô thị Hinode Royal Park; Khu đô thị Sơn Đồng; Khu đô thị Tây Đô; Khu đô thị Dầu khi An Thượng; Khu đô thị Dầu khí Đức Giang...

Dù các dự án này đều ở xa trung tâm thành phố nhưng các đợt mở bán đều thu hút sự quan tâm của người mua ở thực và nhà đầu tư trước bối cảnh quỹ đất khu vực nội đô trở nên khan hiếm, giá bất động sản tăng cao, đồng thời khu vực phía Tây Hà Nội, trong đó có Hoài Đức đã và đang được đầu tư toàn diện, từ cơ sở hạ tầng cho đến các dự án bất động sản.

Song hành với sự tăng nhiệt của phân khúc căn hộ giá rẻ, đất nền Hoài Đức cũng thu hút lượng lớn người quan tâm bởi số tiền chỉ bằng giá trị căn hộ bình dân, khách hàng có thể sở hữu lô đất và tự chủ trong việc xây nhà.