FDI tăng mạnh tác động tốt đến thị trường bất động sản
Theo dự báo của nhiều chuyên gia và một số tổ chức tài chính quốc tế, dòng tiền FDI vào Việt Nam thời gian tới sẽ còn lớn hơn. Việc Việt Nam đang khống chế thành công đại dịch là ưu điểm rất lớn cho lợi thế cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, với các hiệp định thương mại lớn được ký kết, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước khác trong thu hút FDI.
Số liệu thống kê về vốn đầu tư nước ngoài tính đến 20/3/2021. ĐVT: tỷ USD
Theo số liệu của Bộ KHĐT, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn so với cùng kỳ tháng 3 năm 2020 là 15,56%. Tổng vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực bất động sản trong quý 1/2021 là 0.6 tỷ USD tăng 56% so với cùng kỳ (tháng 3/2020 là 0.264 tỷ USD).
Nhiều chuyên gia nhận định, có nhiều nguyên nhân để dòng vốn FDI đi vào lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, Việt Nam có sự ổn định về chính trị, tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng là quốc gia thời gian qua đã rất tích cực cải thiện môi trường đầu tư.
Bên cạnh đó, sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 vừa qua đã có ảnh hưởng tích cực tới tình hình cấp mới/điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Nguồn vốn FDI đầu tư vào BĐS vượt trội so với 2020
Bộ Xây dựng cũng nhận định về sự phục hồi và phát triển trong thời gian tới là khả quan. Theo tổng hợp số liệu của các địa phương có báo cáo cho thấy, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý 1/2021 tăng.
Trong quý 1/2021, có 88 dự án với 26.019 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Cụ thể: tại miền Bắc có 47 dự án với 14.451 căn hộ, miền Trung có 21 dự án với 5.788 căn hộ, miền Nam có 20 dự án với 5.780 căn hộ. Riêng tại Hà Nội có 10 dự án với 7.062 căn, tại TP. Hồ Chí Minh có 5 dự án với 3.449 căn.
Số liệu về nguồn cung bất động sản và lượng giao dịch bất động sản (theo các báo cáo công bố thông tin thị trường bất động sản của các địa phương) từ trong quý 1/2021, cho thấy số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch ước tính vào khoảng 3.300 căn. Như vậy, khả năng hấp thụ của thị trường bất động sản trong quý 1/2021 tốt hơn so với cùng kỳ năm 2020 và quý 4/2020.
Theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường, trong khi tỷ lệ hấp thụ bất động sản nhà ở dần được cải thiện, thì lượng giao dịch và khả năng hấp thụ đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hạn chế (tỷ lệ giao dịch bình quân trong quý chỉ đạt khoảng 30%. Các dự án có pháp lý đầy đủ, đảm bảo tiến độ thông tin minh bạch của một số chủ đầu tư lớn đã có uy tín thì tỷ lệ giao dịch cao hơn).
Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 18 lĩnh vực. Trong đó, 6,14 tỷ USD được đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo chiếm 43% tổng vốn đầu tư đăng ký; 5,43 tỷ USD được đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện và chiếm 38,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; 1,05 tỷ USD cho lĩnh vực Bất động sản; 522 triệu USD cho lĩnh vực bán buôn, bán lẻ;... còn lại là các lĩnh vực khác.
Hải Đăng
Xem thêm: HoREA kiến nghị về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội