FED bước trên lớp băng mỏng
Cuối tuần trước, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát quan trọng, trong tháng 5 đã tăng 1% so với tháng 4 và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong những mức tăng CPI cao nhất kể từ tháng 12/1981 đến nay. Lạm phát vẫn ở mức kỷ lục đã dập tắt kỳ vọng của thị trường về việc nó sẽ hạ nhiệt sớm, đồng thời tạo thêm áp lực cho Cục Dự trữ Liên bang (FED) về một lộ trình siết chính sách tiền tệ mạnh tay hơn.
Ông Jay Woods, trưởng chiến lược gia thị trường tại DriveWealth nói: “Chúng tôi đã hy vọng rằng lạm phát tại Mỹ đạt đỉnh rồi, nhưng FED đâu thể chi phối giá dầu và khí đốt."
Trước lạm phát kỷ lục, nhiều nhà phân tích tiếp tục đổ lỗi cho nhận định sai lầm của FED và các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu trước đó.
“Cách đây một năm, tôi đã rất hoang mang khi có quá nhiều người tin rằng lạm phát chỉ là nhất thời. Nhưng giờ đây, nó đang lập kỷ lục và dai dẳng. Khi mà chúng ta chưa có kinh nghiệm ứng phó với lạm phát hậu COVID, tôi cho rằng sự khiêm tốn là điều cần thiết… FED đã đánh giá sai về lạm phát”, ông Mohamed El-Erain, cố vấn kinh tế trưởng của Allianz, được biết đến như nhà kinh tế hàng đầu của Vương quốc Anh, hôm 12/6 đã buông lời chỉ trích FED.
Ông Mohamed El-rain cho rằng các ngân hàng trung ương, không riêng gì FED, đã “kiêu ngạo và ngây thơ” khi cho rằng lạm phát chỉ là vấn đề nhất thời. Ông thậm chí dự báo lạm phát tại Mỹ có thể tồi tệ hơn và lên tới 9% trong bối cảnh những yếu tố thách thức hiện tại.
“Từ các yếu tố như chiến sự ở Ukraine và việc các Chính phủ chuyển sang ưu tiên năng lượng sạch…, tất cả đang kết hợp với nhau và thúc đẩy đà tăng giá của hầu khắp các mặt hàng. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy thực sự không an toàn”, ông El-rain nói. “Bài học lịch sử cho chúng ta thấy một khi ta tụt lại phía sau và mất đi khả năng phản ứng ở thời điểm thích hợp nhất, ta sẽ rơi vào một tình huống tồi tệ như những gì chúng ta có thể thấy ngày hôm nay. Và khi đó, FED phải đưa ra sự lựa chọn khó khăn: nhấn phanh ra sao để kiểm soát lạm phát mà tránh cho nền kinh tế khỏi nguy cơ suy thoái”.
Con đường nào cho FED?
Trong tuần này, FED sẽ có kỳ họp chính sách tiền tệ diễn ra trong hai ngày 14-15/6. Dự kiến, các quan chức FED sẽ thông qua đợt tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm thứ hai trong 2 kỳ họp liên tiếp. Trước đó, tại cuộc họp hồi tháng 5, Chủ tịch FED Jerome Powell đã cảnh báo thị trường về nguy cơ sẽ có liên tiếp hai đợt tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 6 và tháng 7.
Ông Ethan Harris, chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Bank of America Securities chỉ ra rằng: “Tin xấu cho FED là lạm phát hiện đã vượt quá mục tiêu và cơ quan này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ”.
Nhà kinh tế trưởng Kevin Cummins của NatWest dự đoán quan điểm bình quân của các quan chức FED về mức lãi suất cuối năm nay sẽ tăng từ 1,875% như dự báo hồi tháng 3 lên 2,625%. Nhưng ông này không kỳ vọng mức tăng lớn nào tương tự cho hai năm 2023-2024.
Trong khi đó, các nhà đầu tư phố Wall hôm 10/6 đang đặt cược vào khả năng lãi suất cơ bản của FED sẽ ở mức khoảng 3,1% vào cuối năm nay, thay vì mức 2,8% như dự báo hồi đầu tháng. Thậm chí, các nhà giao dịch hiện còn đặt cược gần 40% khả năng FED tăng lãi suất 0,75% trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 9 tới.
Không chỉ tăng lãi suất, FED cũng đang khởi động quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán thông qua thắt chặt định lượng, một động thái được dự báo có nguy cơ làm chậm nhu cầu tiêu dùng bằng cách đẩy lãi suất dài hạn lên mức cao hơn.
Bản chất của việc thắt chặt định lượng ra sao? Quay ngược trở về năm 2020, gói mua tài sản để kích thích kinh tế trong đại dịch COVID-19 của FED đã bơm một lượng lớn tiền mặt ra thị trường, làm bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương phình to gấp đôi lên gần 9 nghìn tỷ chỉ trong 2 năm. Giờ đây, để thu hẹp bảng cân đối kế toán, FED quyết định thắt chặt định lượng, thay vì bơm tiền ra thì hút tiền về thông qua bán ra tài sản, giảm cung tiền trong nền kinh tế.
Trong một dự báo gần đây, Viện Nghiên cứu Đầu tư của Well Fargo cho rằng với lộ trình thắt chặt định lượng mà FED đưa ra, bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương có thể giảm khoảng 1,5 nghìn tỷ USD trong vòng 18 tháng tiếp theo. Và động thái này tương đương với việc tăng lãi suất thêm 0,75 đến 1 điểm phần trăm.
Ông Sandy Villere III, nhà quản lý danh mục đầu tư của St. Denis J. nhận định: "Thắt chặt định lượng chắc chắn sẽ đẩy lãi suất dài hạn lên cao hơn và tôi không nghĩ rằng thị trường đang kỳ vọng điều đó”. Ông Sandy cho rằng thị trường có thể phản ứng quá mức dẫn đến một đợt điều chỉnh khác. Ông cũng cảnh báo nhà đầu tư nhìn chung nên thận trọng trước nguy cơ suy thoái kinh tế sau lộ trình siết chính sách tiền tệ không mấy nhẹ nhàng của FED.
Còn ông Todd Lowenstein, giám đốc chiến lược khối vốn chủ sở hữu tại Ngân hàng Union đồng tình rằng những mức tăng lãi suất lớn ngay lúc này là cần thiết, bởi FED cần thể hiện quyết tâm chống lạm phát. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng đang có những cuộc tranh luận ngày một gay gắt rằng liệu FED có nên giảm tốc độ tăng lãi suất, hay thậm chí tạm dừng một cuộc họp chính sách tiền tệ vào cuối năm nay để đánh giá tác động của các bước tăng lãi suất mạnh mẽ đến nền kinh tế. Bởi vì việc tăng lãi suất có thể chưa tác động lập tức đến chi tiêu của người tiêu dùng, mà do độ trễ, tác động sẽ đến sau một thời gian.
Mọi quyết định tăng lãi suất hay thắt chặt định lượng của FED sẽ là những bước đi trên lớp băng mỏng, bởi ngày càng xuất hiện nhiều dự báo về nguy cơ suy thoái kinh tế khi FED không thể tạo ra một cú "hạ cánh mềm".
Thách thức bủa vây
Vậy lúc này, nền kinh tế Mỹ đang ở đâu?
Tờ CNN đánh giá 3 yếu tố chính như sau: lạm phát - đang ở mức kỷ lục; thị trường gấu - chưa, nhưng đang trên bờ vực; suy thoái - có thể đang diễn ra ngay lúc này, nhưng một quan điểm được giới kinh tế đồng thuận là có thể phải đến năm sau nền kinh tế Mỹ mới đối diện nguy cơ rơi vào suy thoái sâu do thị trường lao động hiện tại vẫn đang mạnh mẽ.
Cụ thể, về kỳ vọng lạm phát, ngày càng nhiều công ty trên phố Wall, đặc biệt là các công ty công nghệ, cảnh báo về triển vọng kinh doanh trong các quý tiếp theo do môi trường kinh doanh toàn cầu nhiều thách thức, đặc biệt là khi giá nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào tăng vọt.
Về thị trường chứng khoán, thực tế, chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ - một trong ba chỉ số chứng khoán chính của phố Wall - đang ở trong thị trường giá xuống với mức giảm khoảng 28% từ đầu năm đến nay. Các chỉ số khác như S&P 500 giảm khoảng 18% so với mức đỉnh đạt được hồi tháng 1, tức cũng tiến gần tới lãnh thổ “thị trường gấu” (thị trường mà giá cổ phiếu giảm từ 20% trở lên so với đỉnh, phản ánh tâm lý tiêu cực bao trùm phố Wall).
Về kỳ vọng suy thoái, một cuộc thăm dò của Quinnipiac vào tháng 5 cho thấy 85% người Mỹ cho rằng có khả năng xảy ra suy thoái trong năm 2023. Nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại, chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ vẫn tương đối lạc quan, và FED vẫn tin tưởng rằng với thị trường lao động mạnh mẽ như hiện tại, nền kinh tế Mỹ có thể có cú “hạ cánh mềm”.