FED đưa cảnh báo với nền kinh tế trong cuộc chiến chống lạm phát

Phương Lê (theo CNBC) 07:07 | 27/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell đã đưa ra một cam kết cứng rắn vào 26/8 trong việc ngăn chặn lạm phát, ông cảnh báo rằng ngân hàng trung ương sẽ tiêp tục tăng lãi suất theo con đường có thể sẽ gây ra một số đau đớn cho nền kinh tế.

Trong bài phát biểu về chính sách hàng năm tại Jackson Hole, ông Powell khẳng định FED sẽ sử dụng các công cụ một cách mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm. 

Bất chấp một loạt 4 lần tăng lãi suất liên tiếp với tổng cộng 2,25%, ông Powell cho biết hiện chưa phải là lúc để dừng hoặc tạm dừng, mặc dù lãi suất có thể đang nằm xung quanh một mức được coi là trung lập (không kích thích cũng như không hạn chế tăng trưởng). 

“Trong khi lãi suất cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và điều kiện thị trường lao động bớt nóng sẽ làm giảm lạm phát, nhưng chúng cũng sẽ mang lại một số đau đớn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp”, ông Powell nói, “Đây là những cái giá đáng tiếc phải trả cho việc chống lạm phát. Tuy nhiên, thất bại trong việc khôi phục sự ổn định của giá cả còn đau đớn hơn nhiều”. 

Cổ phiếu đã giảm giá sau bài phát biểu của ông Powell, chỉ số Dow Jones giảm hơn 500 điểm. Lợi suất trái phiếu kho bạc đã rời khỏi mức cao nhất trong phiên. 

Thông điệp của ông Powell được đưa ra trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh nhưng chưa giảm rõ rệt. Hai công cụ đo lường được theo dõi chặt chẽ, chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, cho thấy giá cả đi ngang trong tháng 7, phần lớn là do chi phí năng lượng giảm mạnh. Đồng thời, các lĩnh vực khác của nền kinh tế đang chậm lại. Nhà ở nói riêng đang giảm giá nhanh chóng, các nhà kinh tế dự đoán rằng sự gia tăng mạnh mẽ trong việc thuê nhà trong năm rưỡi qua có thể sẽ hạ nhiệt.

Tuy nhiên, ông Powell nhấn mạnh rằng FED chú trọng vào dữ liệu kinh tế rộng lớn hơn là dựa vào kết quả của một hoặc hai tháng. Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy lãi suất cho đến khi nào lạm phát tiệm cận mục tiêu 2%.  

Ông nói: “Chúng tôi đang vận hành chính sách của mình một cách có chủ đích, đến mức đủ siết chặt để đưa lạm phát trở lại 2%”. Nhìn về tương lai, lãnh đạo ngân hàng trung ương Hoa Kỳ nói thêm rằng việc khôi phục ổn định giá cả có thể sẽ đòi hỏi phải duy trì lập trường chính sách cứng rắn trong một thời gian. Kinh nghiệm trong lịch sử cảnh báo cho thấy không nên nới lỏng chính sách quá sớm”.

Nền kinh tế đang trải qua những quý tăng trưởng GDP âm liên tiếp, đây là một định nghĩa phổ biến về suy thoái. Tuy nhiên, Powell và hầu hết các nhà kinh tế khác nhận thấy nền kinh tế cơ bản sẽ mạnh nếu chậm lại.

Trong khi các nhà lãnh đạo FED thường tận dụng hội nghị Jackson Hole như một cơ hội để vạch ra những thay đổi chính sách rộng rãi, thì bài phát biểu của Powell hôm 26/8 chỉ kéo dài 8 phút.  Ông Powell nói: “Ổn định giá cả là trách nhiệm của Cục Dự trữ Liên bang và đóng vai trò là nền tảng của nền kinh tế của chúng tôi. Nếu không có sự ổn định về giá cả, nền kinh tế hoạt động một cách vô nghĩa”. 

Các thị trường tài chính đang chờ đợi cuộc họp tiếp theo của FED vào tháng 9 để xem kết quả liệu Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) có tăng lãi suất thêm 0,75% lần thứ 3 liên tiếp hay không. Powell nói rằng quyết định sẽ phụ thuộc vào dữ liệu và triển vọng tăng trưởng trong tương lai. 

Các nhà đầu tư đang dự đoán mức tăng 0,5% hoặc 0,75% trong kỳ họp tiếp theo của FED. Tính đến hôm 26/8, sau bài phát biểu của ông Powell, xác suất dự đoán động thái tăng 0,75% là 54,5%, theo thước đo FedWatch của CME Group. 

FED đang sử dụng một bài học từ quá khứ làm kim chỉ nam cho chính sách hiện tại. Cụ thể, Powell cho biết lạm phát của 40 năm trước cung cấp cho FED 3 bài học: thứ nhất, các ngân hàng trung ương như FED chịu trách nhiệm kiểm soát lạm phát, thứ 2, quản lý kỳ vọng là rất quan trọng và thứ 3, FED phải duy trì chính sách cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. 

Powell lưu ý rằng việc FED không thể hành động mạnh mẽ vào những năm 1970 đã gây ra tình trạng kỳ vọng lạm phát cao kéo dài, dẫn đến việc tăng lãi suất hà khắc vào đầu những năm 1980. Trong trường hợp đó, Chủ tịch FED đương nhiệm là Paul Volcker đã phải kéo nền kinh tế suy thoái để khống chế lạm phát.

Trong khi tuyên bố nhiều lần rằng ông không nghĩ suy thoái là một kết quả không thể tránh khỏi đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, Powell lưu ý rằng việc quản lý kỳ vọng là rất quan trọng nếu FED muốn tránh một kết quả giống như Volcker.