FED sẽ không nới lỏng chính sách cho đến khi lạm phát hạ nhiệt
Trong cuộc họp trước đó, các nhà hoạch định chính sách của FED đã thông qua việc tăng lãi suất 0,75%, đồng thời bày tỏ quyết tâm hạ nhiệt lạm phát đang cao hơn nhiều lần mức 2% mục tiêu.
Các quan chức FED không đưa ra lộ trình cụ thể cho các mức tăng lãi suất trong tương lai, thay vào đó, nhấn mạnh rằng họ sẽ theo dõi dữ liệu chặt chẽ trước khi đưa ra quyết định. Trong khi đó, thị trường kỳ vọng một đợt tăng lãi suất 0,5% tại cuộc họp tháng 9.
Các thành viên tham gia cuộc họp của FED lưu ý rằng phạm vi lãi suất 2,25% -2,50% là "trung lập", không kích thích cũng như không làm chậm nền kinh tế. Một số quan chức nhận định cần thắt chặt hơn nữa để chính sách tiền tệ phát huy tác dụng.
Biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc FED ghi rõ: “Với mức lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu của Ủy ban, các quan chức đánh giá rằng lập trường chính sách thắt chặt là bắt buộc để đáp ứng nhiệm vụ của Ủy ban nhằm thúc đẩy thị trường việc làm và ổn định giá cả”.
Tài liệu cũng phản ánh quan điểm của FED rằng một khi khi lập trường chính sách có tác động đến lạm phát, họ sẽ có thể cân nhắc việc chững lại việc tăng lãi suất. Quan điểm này đã thúc đẩy một đợt phục hồi mạnh mẽ của cổ phiếu vào mùa hè.
Biên bản ghi: “Các đại biểu đánh giá rằng FED cũng có thể sẽ lạm chậm tốc độ tăng lãi suất đồng thời đánh giá tác động của việc điều chỉnh chính sách đối với hoạt động kinh tế và lạm phát”.
Tuy nhiên, bản tóm tắt cũng cho biết một số người tham gia nhận định có thể duy trì lãi suất ở mức cao trong một thời gian để đảm bảo rằng lạm phát chắc chắn đang trên con đường quay trở lại 2%.
Các quan chức cũng lưu ý các quyết định lãi suất trong tương lai sẽ dựa trên dữ liệu thực tế, đồng thời, họ cho biết có một vài dấu hiệu cho thấy lạm phát đã suy giảm, nhấn mạnh quyết tâm của FED trong việc hạ nhiệt giá cả. Họ cũng lưu ý thêm rằng có thể sẽ mất một thời gian trước khi chính sách có hiệu lực đủ để có tác động thật sự.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ tháng 7 đã tăng 8,5% so với cùng kỳ. Chỉ số giá chi tiêu cá nhân, đã tăng 1% trong tháng 6 và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng bất kỳ dấu hiệu dao động nào từ FED sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
“Các quan chức tham gia cuộc họp đánh giá một rủi ro đáng kể Ủy ban phải đối mặt là lạm phát tăng cao có thể trở nên dai dẳng. Khi ấy, công chúng bắt đầu hoài nghi về quyết tâm của Ủy ban trong việc điều chỉnh quan điểm chính sách một cách đầy đủ”, biên bản cho biết, “Nếu rủi ro này thành hiện thực, nó sẽ làm phức tạp hơn nhiệm vụ đưa lạm phát trở lại 2% và có thể làm tăng đáng kể chi phí kinh tế cho việc này”.
Mặc dù FED đã thực hiện các động thái thắt chặt chưa từng có tiền lệ khi tăng lãi suất 0,75% tại 2 cuộc họp liên tiếp, nhưng thị trường tài chính gần đây vẫn tiếp tục phục hồi với hy vọng rằng ngân hàng trung ương có thể làm dịu tốc độ tăng lãi suất vào mùa thu. Kể từ mức đáy gần đây vào giữa tháng 6, Chỉ số Công nghiệp Dow Jones đã tăng hơn 14% đến nay.