Foxconn lấn sân sang làm pin xe điện
Tại lễ khởi công nhà máy pin xe điện ở Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc), Chủ tịch Foxconn Young Liu cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch xây dựng một hệ sinh thái nhằm bản địa hóa chuỗi cung ứng pin, từ nguyên liệu đến tế bào pin và bộ pin ở Cao Hùng. Thành phố Cao Hùng sẽ trở thành cơ sở quan trọng cho dấu ấn EV toàn cầu của Foxconn”.
Ông Liu cho biết, sau khi hệ sinh thái ở Cao Hùng đi vào hoạt động, Indonesia có thể sẽ trở thành nơi đặt nhà máy pin đầu tiên ở nước ngoài của Foxconn. Công ty cho biết đã hợp tác với công ty xe tay ga điện tử Gogoro, chính phủ Indonesia và các doanh nghiệp địa phương để phát triển xe điện và công nghệ hoán đổi pin.
Tại Cao Hùng, việc sản xuất thử nghiệm pin lithium sắt photphat (cùng loại pin mà “ông vua pin” Contemporary Amperex Technology của Trung Quốc chế tạo) khả năng bắt đầu vào quý I/2024 với công suất dự kiến là 1,27 gigawatt giờ. Pin sẽ lần đầu tiên được sử dụng trong xe buýt điện nội địa, xe chở khách chạy điện và hệ thống lưu trữ năng lượng. Ông Liu nói, các khoản đầu tư liên quan đến pin của Foxconn vào thành phố, bao gồm một trung tâm nghiên cứu và phát triển, sẽ lên tới 202 triệu USD.
Cơ sở mới này là một phần trong kế hoạch của Foxconn nhằm xây dựng hệ sinh thái xe điện ở Cao Hùng, nơi công ty cũng đang thiết lập các cơ sở lắp ráp xe buýt điện và hệ thống lưu trữ năng lượng. Foxconn đặt mục tiêu sử dụng kinh nghiệm của mình tại thành phố như một điểm khởi đầu để xây dựng các cơ sở sản xuất tương tự ở nước ngoài.
Việc phát triển và sản xuất pin của riêng mình là một phần trong nỗ lực của Foxconn nhằm đảm bảo nguồn cung cấp các bộ phận xe điện quan trọng trong bối cảnh thiếu chip và linh kiện trên toàn cầu. Nhà lắp ráp iPhone đã tăng cường nỗ lực của mình trong lĩnh vực bán dẫn ô tô, bao gồm việc mua lại một nhà máy sản xuất chip ở thành phố Tân Trúc, phía bắc Đài Loan cũng như công bố kế hoạch xây dựng các cơ sở sản xuất chip ở Ấn Độ và Malaysia.
Sự xâm nhập của Foxconn vào thị trường pin EV diễn ra khi các công ty toàn cầu như Samsung SDI và LG Chem (Hàn Quốc), Panasonic (Nhật Bản) và CATL (Trung Quốc) đã và đang tranh giành quyền kiểm soát lĩnh vực này.
Việc xây dựng mảng pin xe điện là một thử nghiệm quan trọng khi Foxconn cố gắng củng cố sự hiện diện của mình trong ngành. Theo chuyên gia theo dõi ngành, pin xe điện là lĩnh vực mới với Foxconn nên so với đối thủ, công ty vẫn thiếu cơ sở khách hàng và mối liên hệ sâu rộng với các nhà sản xuất ô tô hàng đầu.
Ngoài Foxconn, Xi măng Đài Loan đang xây dựng nhà máy pin pin đầu tiên ở Cao Hùng, trong khi tập đoàn Formosa Plastics Group đã thành lập một công ty để thúc đẩy sự phát triển của pin và hệ thống lưu trữ năng lượng.
Các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu đang coi trọng pin EV hơn trong bối cảnh khủng hoảng linh kiện và chip nghiêm trọng. Một đánh giá về chuỗi cung ứng của Washington vào tháng 6 năm ngoái cho biết, nội địa hóa chuỗi cung ứng pin sẽ rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp EV của Mỹ. Cũng trong năm ngoái, EU đã thông qua quỹ Đổi mới pin châu Âu trị giá 2,9 tỷ euro (3 tỷ USD) để tăng "quyền tự chủ chiến lược trong một lĩnh vực quan trọng đối với quá trình chuyển đổi xanh và khả năng phục hồi lâu dài của châu Âu."