FTA Việt Nam và Vương Quốc Anh chính thức được ký kết và chính thức có hiệu lực vào 1/1/2021

20:10 | 11/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiệp định FTA song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam chính thức được ký kết vào chiều nay 11/12 .Hiệp định FTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai bên .

Chiều 11-12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss đã chính thức ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA).

Tại Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng về việc kết thúc đàm phát hiệp định, hai bên bày tỏ vui mừng về việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam – Vương quốc Anh (UK).

Cũng theo Tuyên bố chung, UK và Việt Nam có quan hệ ngoại giao tốt đẹp và càng ngày càng nhiều mục tiêu chung. Điều này được thể hiện qua việc quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – UK tiếp tục được kéo dài thêm 10 năm kể từ tháng 9 năm nay.

Quan hệ đối tác này tạo một khung khổ cho một mối quan hệ song phương bền chặt, đồng thời vạch ra các ưu tiên chính, bao gồm phát triển nền kinh tế carbon thấp, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy các quyền con người và thương mại. Với việc Việt Nam đã thể hiện rất tốt vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, UK đã thực hiện bước tiến quan trọng trong việc đề nghị trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN.

FTA Việt Nam và Vương Quốc Anh chính thức được ký kết và chính thức có hiệu lực vào 1/1/2021 - ảnh 1Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh- Việt Nam ( UKVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

UK và Việt Nam chia sẻ cam kết chung đối với thương mại toàn cầu và lưu chuyển tự do dòng vốn và đầu tư. FTA song phương này mang tới một sự tiếp nối quan trọng đối với mối quan hệ thương mại năng động và phát triển nhanh chóng của hai bên. Năm 2019, các doanh nghiệp UK đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 600 triệu bảng Anh sang Việt Nam. Cũng trong năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang UK với trị giá khoảng 4,6 tỷ bảng Anh.
 
FTA song phương Việt Nam – UK vẫn duy trì các lợi ích trong mối quan hệ thương mại hiện có của hai bên tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Thương mại hàng hóa từ dệt may, da giầy cho tới các mặt hàng thủy sản vẫn không bị gián đoạn. Thương mại dịch vụ, cụ thể là dịch vụ tài chính và thương mại điện tử, có thể tiếp tục phát triển.

Các doanh nghiệp có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ và bảo hộ các sản phẩm chủ chốt của Việt Nam và UK. Điều này bao gồm 65% số dòng thuế đã được xóa bỏ trong thương mại Việt Nam – UK. Con số nói trên sẽ tăng lên 99% sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan.

Đến thời điểm cuối lộ trình, Việt Nam sẽ hưởng lợi qua việc tiết kiệm được 114 triệu bảng Anh tiền thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Đối với hàng hóa xuất khẩu của UK, con số tương ứng sẽ là 36 triệu bảng Anh.
 
Hiệp định song phương này do đó thể hiện sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt. FTA này không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Hiệp định này cũng là một bước tiến quan trọng để UK gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Là thành viên sáng lập của CPTPP, Việt Nam hoan nghênh sự quan tâm của UK đối với việc tham gia Hiệp định CPTPP và ủng hộ việc UK gia nhập Hiệp định CPTPP trong tương lai.

Việc gia nhập CPTPP là một ưu tiên của Chính phủ UK, và Chính phủ UK đã có kế hoạch cho việc này vào đầu năm 2021. CPTPP là một trong các hiệp định thương mại tự do quan trọng nhất trên thế giới, chiếm tỉ trọng 13% tổng GDP toàn cầu năm 2019. Nếu UK tham gia Hiệp định CPTPP, con số nói trên sẽ tăng lên 16% tổng GDP toàn cầu. UK và Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ về việc này.

Nông, thuỷ sản Việt Nam lợi thế lớn


Về một số mặt hàng cụ thể có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu, một báo cáo hồi đầu tuần này của Cục Xuất nhập khẩu cho hay, mặt hàng dệt may là một trong những sản phẩm có nhiều lợi thế nhất. Năm 2019, Anh nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam các mặt hàng như bộ comple, áo jacket, blazer cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, áo khoác ngoài, áo choàng… Mặc dù Trung Quốc  đang chiếm thị phần lớn nhất, nhưng 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may vào thị trường Anh của nước này giảm 8%.

FTA Việt Nam và Vương Quốc Anh chính thức được ký kết và chính thức có hiệu lực vào 1/1/2021 - ảnh 2Thủy sản là một trong những ngành của Việt Nam hưởng lợi nhiều từ FTA Việt Nam-UK

Bên cạnh Trung Quốc, các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam còn có Bangladesh, Campuchia và Pakistan do lợi thế hơn về thuế suất. Bởi vậy, FTA giữa Việt Nam và Anh sẽ mang lại các ưu đãi thuế quan giúp hàng hóa của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ.

Tương tự là gạo, thị trường gạo của Anh khá lớn với nhu cầu nhập khẩu năm 2019 là 671.000 tấn, tăng 10% so năm 2018. Hiện xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Anh vẫn ở mức 0,2% và chỉ đứng thứ 22. Trong năm 2019, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Anh đã có bước nhảy vọt với mức tăng trưởng kim ngạch lên đến 376%. Tuy nhiên, mức thuế quan với mặt hàng này năm 2019 vẫn ở mức cao nên khó cạnh tranh với các nước khác. Vì vậy, một khi hiệp định được thực thi thì Anh là thị trường xuất khẩu gạo rất tiềm năng cho Việt Nam.

Bên cạnh đó là thủy sản, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Anh khá lớn, khoảng 4,4 tỉ USD/năm trong khi đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6,7%. Người tiêu dùng  Anh đang hướng tới những sản phẩm thủy sản dễ tiêu thụ ở nhà, dễ bảo quản, dễ chế biến, tiện dụng và có mức giá trung bình thấp.

Do đó, cá tra đông lạnh của Việt Nam được coi là một lợi thế lớn với ngành thủy sản xuất khẩu sang Anh hiện nay, khi Việt Nam là nhà cung cấp hàng đầu, có mức giá phù hợp và quy trình chế biến được thị trường EU và Anh chấp nhận.

Xem Thêm: Kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Anh

Nguyễn Dung