Gần 80% vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thương mại dịch vụ của Trung Quốc trong quý I

15:01 | 25/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để mở rộng và tạo điều kiện phát triển ngành dịch vụ. Số lĩnh vực cấm nhà đầu tư nước ngoài bị cắt giảm từ 93 xuống còn 33.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM), ngành dịch vụ của Trung Quốc đã thu hút 237,8 tỷ nhân dân tệ (36,6 tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm nay, chiếm 78,6% tổng vốn đầu tư.

Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để mở rộng và tạo điều kiện phát triển ngành dịch vụ. Số lĩnh vực cấm nhà đầu tư nước ngoài bị cắt giảm từ 93 xuống còn 33 trong 5 năm đến năm 2020. Trong đó, 30 lĩnh vực dịch vụ đã bị xóa, bao gồm giao thông vận tải, viễn thông giá trị gia tăng, dịch vụ tài chính và các lĩnh vực khác. 

Gần 80% vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thương mại dịch vụ của Trung Quốc trong quý I - ảnh 1

Ảnh minh họa.

Zong Changqing, Tổng giám đốc Cục quản lý đầu tư nước ngoài của MOFCOM cho biết: "Sự gia tăng hấp thụ đầu tư nước ngoài trong ngành dịch vụ đã thúc đẩy việc tối ưu hóa và nâng cấp cơ cấu công nghiệp của Trung Quốc, phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân và đóng góp quan trọng để ổn định đầu tư nước ngoài".

MOFCOM hôm thứ Sáu vừa qua cũng thông báo rằng Trung Quốc sẽ bổ sung thêm bốn thành phố và khu vực lớn vào danh sách cho phép đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ gồm Thượng Hải, Thiên Tân, Hải Nam và Trùng Khánh, sau Bắc Kinh đã được phê duyệt là khu vực thí điểm đầu tiên của Trung Quốc từ năm 2015. 

Trung Quốc cũng đã thực hiện ba vòng dự án thí điểm toàn diện để phát triển ngành dịch vụ ở Bắc Kinh. Theo báo cáo số liệu của MOFCOM, kể từ khi thực hiện chương trình thí điểm, ngành dịch vụ của Bắc Kinh đã thu hút 568,6 tỷ nhân dân tệ vốn nước ngoài, chiếm 96,9% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh (không bao gồm dữ liệu ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm).

Các khu thí điểm mới sẽ chủ yếu tập trung vào việc mở cửa ở mức độ cao cho các lĩnh vực chính bao gồm dịch vụ khoa học, kinh doanh, hậu cần, tài chính và giáo dục.

Xem thêm: Trung Quốc: Trọng tâm phát triển kinh tế hậu đại dịch là thúc đẩy phát triển giải trí

Tùy Ý