Gang thép Thái Nguyên: Kinh doanh cải thiện đáng kể, lượng tiền lớn vẫn kẹt tại dự án cải tạo giai đoạn II

Trang Mai 06:58 | 16/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa công bố, CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco - mã CK: TIS) cho thấy kết quả kinh doanh đã cải thiện đáng kể so với cùng kỳ. Thế nhưng dự án cải tạo Gang thép giai đoạn II tiếp tục vướng mắc, khiến số lãi vay vốn hoá đã tăng hơn 56 tỷ so với đầu năm.

Tính đến hết quý I, tổng tài sản của Tisco đạt gần 11.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, 61% tổng tài sản của công ty là tài sản dở dang dài hạn. Có tới gần 6.700 tỷ đồng đang nằm ở dự án cải tạo Gang thép giai đoạn II, trong đó lãi vay vốn hóa đã tăng 57 tỷ đồng so với đầu năm. 

Theo giải trình, dự án kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu do những tranh chấp, vướng mắc trong hợp đồng EPC. Đây cũng là một trong những dự án khó xử lý nhất trong số 12 dự án, doanh nghiệp vướng mắc của ngành Công Thương tính đến hết năm 2023. 

Công ty cho biết ban lãnh đạo công ty và Tổng công ty Thép Việt Nam vẫn đang tiếp tục đàm phán với các nhà thầu và phối hợp các cơ quan nhà nước có liên quan để tháo gỡ các khó khăn cho dự án.

Tại báo cáo kiểm toán năm 2023, kiểm toán viên của Hãng kiểm toán AASC đã đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ. Theo đó, công ty trình bày tại thuyết minh “Dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên được triển khai từ năm 2007, việc đầu tư dự án đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu và hiện vẫn chưa hoàn thành. Hiện tại, Chính phủ và cơ quan có liên quan đang trong quá trình xử lý các sai phạm và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án.

Do vậy, Kiểm toán AASC không thể xác định được ảnh hưởng của các vấn đề này. Cụ thể, giá trị các khoản mục “Trả trước cho người bán”, “ chi phí xây dựng dở dang”, “phải trả người bán có liên quan đến Dự án được công ty trình bày cũng như các chỉ tiêu khác liên quan được trình bày trên báo cáo tài chính.

Bên cạnh đó, Tisco còn có những khoản giao dịch mang lại nợ xấu cho doanh nghiệp. Đến hết quý đầu năm 2024, TIS có khoảng 947 tỷ khoản phải thu, nhưng giá trị các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi lại lên đến 549 tỷ. Giá trị có thể thu hồi chỉ khoảng gần 1/3 với 200 tỷ đồng.

Chỉ khoảng 1/3 số nợ xấu có thể thu hồi. Ảnh: Tisco

Trong đó, nợ xấu lớn nhất đến từ 2 công ty là Công ty TNHH TM và DL Trung Dũng và Công ty TNHH TM và XD Hà Nam.

Số tiền mặt của đơn vị chỉ còn gần 80 tỷ vào thời điểm cuối quý I. 

Về tình hình kinh doanh, doanh thu thuần quý I của Tisco đạt gần 2.200 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng doanh thu tài chính tăng mạnh và chi phí lãi vay giảm đã giúp đơn vị này có lãi sau thuế gần 6 tỷ đồng, so với quý I/2023 lỗ 19 tỷ.

 

Theo giải trình, Tisco cho biết tuy thị trường thép trong quý I vẫn gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ giảm song công ty tiếp tục có nhiều giải pháp trong công tác bán hàng, tăng tỷ trọng tiêu thụ thép hình, thắt chặt quản lý nên sản xuất kinh doanh có hiệu quả. 

Về triển vọng ngành thép trong năm nay, các chuyên gia nhận định năm 2023 chính là đáy của ngành thép và 2024 thị trường sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, mức độ tăng sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc nhanh hay chậm, lộ trình giảm lãi suất của Fed ra sao và triển vọng nền kinh tế Mỹ có suy thoái hay không. Đó là những yếu tố ở thị trường thế giới, còn với Việt Nam, sức tiêu thụ cũng chưa thể phục hồi một cách nhanh chóng.

Trong một báo cáo giữa tháng 2, các chuyên gia của Chứng khoán SSI cũng kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ thép sẽ phục hồi hơn 6% trong năm 2024, trong đó tiêu thụ nội địa đạt mức tăng trưởng gần 7%. Đồng thời, dự báo mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ nhờ tình hình vĩ mô và thị trường bất động sản khởi sắc hơn. Trong chu kỳ trước, tiêu thụ thép xây dựng năm 2013 đã tăng khoảng 3% so với mức đáy năm 2012.

SSI cũng cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận có thể cao hơn trong nửa đầu năm 2024 nhờ mức nền lợi nhuận thấp trong nửa đầu năm 2023. Xu hướng phục hồi có thể được duy trì sau năm 2024, mặc dù nhu cầu tiêu thụ và biên lợi nhuận vẫn còn khả năng biến động.