Gạo ST24 và ST25 lại bị đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Úc, Cục Sở hữu trí tuệ nói gì?

18:26 | 02/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Văn phòng sở hữu trí tuệ Australia cho biết, một công ty ở nước này đã nộp đơn xin bảo hộ thương hiệu gạo ST24 và ST25. Đây là lần thứ hai gạo Việt Nam ngon nhất thế giới bị đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài.

Theo thông tin từ Văn phòng sở hữu trí tuệ Australia, Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD, địa chỉ tại 420 Victoria Rd Malaga, WA, 6090 Australia, nộp đơn xin đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST24 và ST25 vào ngày 22/4.

Theo dữ liệu đăng tải trên website của Văn phòng sở hữu trí tuệ Australia (IP Australia), nhãn hiệu của doanh nghiệp thuộc nhóm "Rice; Best rice of the world" (gạo; gạo ngon nhất thế giới). IP Australia đang trong quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp.

Đến nay, đã có 6 nhãn hiệu liên quan đến gạo ST25, trong đó 5 nhãn hiệu ở Mỹ, nộp đơn xin bảo hộ bên ngoài Việt Nam.

Gạo ST24 và ST25 lại bị đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Úc

Hồ sơ xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 của T&L Global Foods Supply tại Australia.

Trao đổi với VnExpress, bà Ngân Trần, Giám đốc công ty Maygust Trademark Attorneys cho biết, tại Úc các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu thường mất khoảng 3-4 tháng để kiểm tra.

Nếu đáp ứng được các yêu cầu, cơ quan sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận thương hiệu và công bố thông tin để các bên, nếu có nhu cầu, phản đối trong vòng 2 tháng từ ngày công bố. Nếu không, thương hiệu sẽ được chính thức bảo hộ.

Cũng theo bà Ngân, ở Úc để phản đối nhãn hiệu, doanh nghiệp sẽ phải nộp đơn Thông báo dự định phản đối (mức phí 250 AUD một nhãn hiệu). Sau đó, trong một tháng kể từ ngày nộp đơn, doanh nghiệp phải nộp các căn cứ phản đối.

Vì thương hiệu được bảo hộ theo lãnh thổ nên doanh nghiệp có đăng ký ở Việt Nam cũng không có nghĩa sẽ được bảo hộ ở các thị trường khác như Mỹ, Australia. Cho nên doanh nghiệp cần chủ động xin bảo hộ tại những nước mình có nhu cầu.

Gạo ST24 và ST25 lại bị đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Úc

Trao đổi vấn đề này với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, trên thế giới, có hơn 200 nước và vùng lãnh thổ khác nhau, mỗi nước có một đặc điểm riêng về thị trường và cách bảo hộ thương hiệu. Doanh nghiệp chỉ cần bảo hộ tại những thị trường xuất khẩu chính và mong muốn của mình.

Với thị trường Úc, mỗi năm Việt Nam xuất khoảng 4-5 triệu USD gạo và cũng là thị trường rất mới của gạo Việt. Do vậy, ông Bảy khuyến cáo doanh nghiệp Việt cân nhắc đây có phải là thị trường mà họ có thể bán được gạo mang nhãn hiệu của mình hay không.

"Bởi theo quy định, trong trường hợp, doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu nhưng không đưa sản phẩm sang hoặc mà không sử dụng sẽ đối mặt với việc chấm dứt hiệu lực không được bảo hộ nữa”, ông Bảy nói.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá hiện hồ sơ nhãn hiệu của Công ty T&L Global Foods Supply đáp ứng được yêu cầu bảo hộ không cao, do ST25 chỉ là tên gọi thông thường của sản phẩm. Tuy nhiên, nếu không muốn thương hiệu gạo ST24, và ST25, bị phía doanh nghiệp Australia đăng ký, doanh nghiệp Việt sẽ có 2 tháng để phản đối nhãn hiệu bằng cách nộp đơn Thông báo dự định phản đối đến văn phòng IP Australia.

Xem thêm: Một công ty Mỹ sẽ được đăng ký thương hiệu gạo ST25 ngày 4/5, doanh nghiệp Việt tìm cách khiếu nại

Hà Ly