Gạo tuần hoàn theo xu hướng toàn cầu

Trinh Hoàng Nhan/TTXVN 09:12 | 15/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường lúa gạo toàn cầu biến động mạnh, nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến nhưng nguồn cung vẫn chỉ hạn chế trong kế hoạch sản xuất của mỗi quốc gia; trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, sự biến động này được các chuyên gia ngành hàng lúa gạo đánh giá, nguồn tiêu thụ sẽ có dấu hiệu sụt giảm, yêu cầu người tiêu dùng ngày cao bởi các tiêu chuẩn sản xuất và tiêu thụ xanh, an toàn. Vì vậy, ngành hàng gạo Việt Nam phải giải quyết bài toán vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước, cung ứng được gạo cho nhu cầu người tiêu dùng thế giới, vừa phải đạt chất lượng cao và đảm bảo an toàn môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Gạo xanh vì người tiêu dùng

Đồng hành với sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngày càng cao, ý thức của người tiêu dùng cũng vượt bậc hơn so với trước đây. Phát triển luôn đi kèm với an toàn cho sức khoẻ là điều không thể thiếu trong các tiêu chí lựa chọn hàng hoá hiện nay. Sản phẩm lúa gạo được tiêu dùng nhiều và hàng ngày của đa số cộng đồng người dân châu Á, một số ít quốc gia châu Âu, Mỹ và khu vực châu Phi.

Chính vì những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường tiêu thụ lúa gạo, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Đổi mới sáng tạo, ứng dụng giải pháp khoa học kỹ thuật phù hợp, đồng bộ dựa trên việc tiếp nối những kinh nghiệm tri thức bản địa với tinh thần gìn giữ môi trường, tôn trọng thiên nhiên, là cách thức mà đội ngũ nông dân chuyên nghiệp tại Việt Nam đã và đang thực hiện để hướng tới những cánh đồng “phát thải thấp”. Theo đó, quyền lợi và trách nhiệm của người trồng lúa Việt Nam luôn gắn bó mật thiết và là một phần không thể tách rời với chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo toàn cầu.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt chia sẻ, trong sản xuất lúa có 3 yếu tố chính làm phát thải khí nhà kính, bao gồm việc bón quá nhiều phân đạm, đốt rơm rạ hoặc vùi rơm rạ vào trong đất. Như vậy, muốn làm giảm phát thải khí nhà kính, phải hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của 3 yếu tố này. Đồng thời, khi giảm những tác động của 3 yếu tố tiêu cực thì nông dân cũng giảm luôn chi phí sản xuất, kéo theo giảm sâu bệnh trên đồng ruộng và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa.

Vì mục tiêu giảm phát thải trong hoạt động sản xuất lúa nên Chính phủ đã phê duyệt đề án 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao. Để thực hiện đề án ngay lập tức là điều không dễ dàng, nên đề án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2025), tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 ha. Giai đoạn 2 (2026-2030), xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000 ha.

Hoạt động này vừa giúp nông dân thích nghi phương thức sản xuất mới, vừa chứng minh lượng phát thải giảm dần trong hoạt động sản xuất lúa, cũng vừa khẳng định với người tiêu dùng thế giới là ngành nông nghiệp Việt Nam đã nỗ lực hết sức vì một cộng đồng khỏe mạnh, môi trường trong lành.

Đáp ứng thị trường sôi động

Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế hiện nay đã và đang mang lại nguồn thu, giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội.

Theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, thị trường lúa gạo toàn cầu biến động chưa từng có từ trước đến nay. Các chuyên gia ngành lúa gạo cũng đưa ra dự báo, sự biến động này còn tiếp tục diễn tiến ít nhất đến hết năm 2024, do nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, các nước Trung đông và châu Phi.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 ước đạt hơn 4,3 tỷ USD, sản lượng 7,6 triệu tấn. Ước tính năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt xấp xỉ 5 tỷ USD, sản lượng 8 triệu tấn. Điều này cho thấy, diễn biến thị trường lúa gạo trong năm 2023 khá tốt nên các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, dẫn đến lượng tồn kho cuối năm khá mỏng. Đồng thời, hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long đã vào cuối vụ thu hoạch Thu Đông, còn vụ Đông Xuân 2023-2024 vẫn chưa bắt đầu nên lượng lúa gạo hàng hóa trong dân không còn nhiều.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nhấn mạnh, 2023 là một năm rất thành công đối với ngành gạo, Việt Nam xác lập 2 kỷ lục mới. Đó là giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam cao chưa từng có trong lịch sử ngành hàng. Sản lượng gạo xuất khẩu lập đỉnh 8 triệu tấn. Đây là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 8 triệu tấn.

Tuy nhiên, thị trường sôi động là vậy, nhưng nguồn cung ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn giữ mức ổn định hàng năm, nên lượng gạo cung ứng sẽ rơi vào khan hiếm khi khách hàng có nhu cầu nhập khẩu cao hơn thường lệ. Do đó, để có thể đảm bảo nguồn gạo chất lượng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ngoại trừ tỉnh Bến Tre) đồng loạt thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao để “đuổi kịp” nhu cầu của thị trường hiện nay.

Theo ông Trần Văn Huyến - Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, góp phần vào những thành tựu chung của ngành hàng lúa gạo những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã chuyển dịch cơ cấu giống lúa sang các giống lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 18, RVT… phù hợp với nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Tỉnh Hậu Giang cũng xây dựng vùng lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm, hàng năm diện tích liên kết tiêu thụ đạt trên 25.000 ha để góp phần vào xuất khẩu gạo chất lượng cao của Việt Nam./.