Gemadept (GMD) sắp chốt quyền chia cổ tức năm 2021 tỷ lệ 12%, dự báo còn dư địa tăng trưởng sản lượng hàng
Theo đó, phương án được phía Công ty đưa ra là trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 12% (cổ đông sở hữu 1 cp được nhận 1.200 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức tiền mặt là 10/10. Ngày thanh toán dự kiến là 25/10. Với 301,38 triệu cổ phiếu đang lưu hành, GMD dự kiến chi 361,5 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.
Trong bối cảnh hoạt động cảng biển đang có nhiều khởi sắc sau thời gian dài ảm đạm, GMD cũng ghi nhận nhiều mức tăng trưởng ấn tượng. Riêng trong quý II, GMD ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 978 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn tăng 25% so cùng kỳ, lên mức 55% doanh thu. Qua đó, lợi nhuận gộp tăng 37% lên 436 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 42,4% lên 44,6%.
Dù vậy, doanh thu hoạt động tài chính giảm 52%, xuống còn gần 4 tỷ đồng. Mặc dù chi phí bán hàng giảm 11%; song chi phí tài chính và chi phí doanh nghiệp lần lượt tăng 22% và 19% so cùng kỳ.
Kết thúc quý II, GMD ghi nhận lãi ròng trong quý tăng 103%, lên gần 288 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của GMD đạt 1.858 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế đạt 720,4 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế đạt 654 tỷ đồng, lần lượt tăng 86% và 87% so với cùng kỳ.
Năm 2022, GMD đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm hoạt động hiệu quả và có kết quả khả quan, GMD đã hoàn thành 48,9% kế hoạch doanh thu và 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tăng trưởng kết quả kinh doanh của GMD trong nửa đầu năm 2022 có được một phần do các yếu tố thuận lợi chung ngành cảng biển. Trong đó, ngành cảng biển năm 2022 được đánh giá hưởng lợi từ sự phục hồi các hoạt động giao thương sau dịch, nhưng sự tăng trưởng này chỉ dựa trên nền so sánh thấp trong cùng kỳ năm 2021 bởi năm ngoái là giai đoạn nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ do dịch bệnh Covid-19.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản của GMD tính đến 30/6/2022 hơn 11.380 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn là 9.356,9 tỷ đồng và tài sản dài hạn là 2.023 tỷ đồng. Đáng nói, khoản phải thu ngắn hạn tăng 32% so với đầu năm, lên gần 1.110 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận gần 88 tỷ đồng, tăng 28%, chủ yếu do biến động từ nguyên liệu, vật liệu và nhiên liệu tồn trên tàu.
Nợ phải trả tại thời điểm cuối quý II là 3.627,8 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Trong đó, khoản vay và nợ tài chính ngắn hạn chiếm 753 tỷ đồng (giảm 12%), nhưng nợ vay dài hạn tăng 16% lên hơn 1.227 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của GMD đạt 7.751 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu kỳ, gấp 2,14 lần nợ phải trả.
Dòng tiền lưu chuyển từ kinh doanh đang khá sáng khi ghi nhận mức dương 533,6 tỷ đồng. Tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 499 tỷ đồng, chủ yếu do chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn. Lưu chuyển tiền từ tài chính dương 11,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức âm 111,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, chủ yếu đế là việc thu từ đi vay 705 tỷ đồng.
Tính chung trong kỳ, lưu chuyển tiền thuần dương 45,7 tỷ đồng. Do đó tại ngày 30/6/2022, tiền và tương đương tiền đạt 682,4 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm.
Nhận định về triển vọng kinh doanh trong phần còn lại của năm, tại Hội thảo “Tiềm năng ngành cảng biển Việt Nam và lợi thế của Gemadept” diễn ra ngày 29/9, ông Nguyễn Thanh Bình - Tổng giám đốc CTCP Gemadept dự báo rằng, quý IV/2022 sẽ là giai đoạn khó khăn với các cảng biển về hàng hóa vì tình trạng suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên với tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, các hiệp định thương mại đã ký, sản lượng hàng hóa qua cảng sẽ còn tăng trưởng và chưa đạt đỉnh.
“Việt Nam đang đối mặt với sự tắc nghẽn về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, xuất nhập khẩu và cảng biển là nơi cần phải xử lý tốt. Cảng biển là tài sản cần thời gian đầu tư lâu, thường phải đi trước đón đầu, đi trước tốc độ tăng trưởng. Quy hoạch về cảng biển hiện nay đủ để đáp ứng nhu cầu về xuất nhập khẩu, song cần lưu ý thực hiện quy hoạch đúng tiến độ so với kế hoạch đã đặt ra” - ông Bình nói.
Cũng theo vị Tổng giám đốc, trong giai đoạn tới, GMD sẽ triển khai mạnh các dự án đầu tư hạ tầng sau cảng và dịch vụ logistics và ICD khu vực phía Nam quy mô khoảng 10 ha và vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, GMD sẽ thoái vốn các khoản đầu tư không thuộc lĩnh vực kinh doanh cốt lõi để tạo dòng tiền đầu tư đầu tư cảng biển, cảng hàng hóa hàng không, cảng thủy nội địa, trung tâm logistics, khu công nghiệp…
Cụ thể, Gemalink – giai đoạn 2 (Bà Rịa Vũng Tàu) đang trong quá trình hoàn thiện giấy phép xây dựng, kỳ vọng hoàn thành trong năm nay và có thể khởi công trong nửa đầu năm sau.
Dự án có công suất 1,5 triệu TEU, vốn đầu tư 300 triệu USD. Công ty này kỳ vọng gia tăng mạnh mẽ vị thế của Gemalink (thuộc khu vực cảng Cái Mép) như một trung tâm trung chuyển quan trọng của khu vực.
Cùng với đó, Công ty đang thúc đẩy đầu tư dự án Nam Đình Vũ - giai đoạn 2 (Hải Phòng) để đưa vào hoạt động từ quý 1/2023. Dự án được khởi công từ năm 2021, vốn đầu tư 75 triệu USD, quy mô 600.000 TEU.
Khi giai đoạn 2 của Nam Đình Vũ và Gemalink cùng đi vào hoạt động, năng lực khai thác cảng của Công ty sẽ được nâng lên gấp đôi - là mức tăng ấn tượng trong thời gian tới.