Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trên thị trường BĐS, thị trường vốn

Diên Vỹ 10:57 | 03/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh những yếu tố thách thức đang gia tăng có thể tác động đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý I/2023, tạo sức ép cho các quý tiếp theo. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân.

 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2023. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tháng, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, nhất là diễn biến xung đột Nga - Ukraine và phản ứng của các nước lớn. Lạm phát thế giới tuy đã giảm dần nhưng duy trì mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; dự báo khả năng các nước thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ; tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm cùng tăng trưởng thấp tại nhiều nền kinh tế. 

Cùng đó, thị trường bất động sản ở một số quốc gia sụt giảm mạnh, tác động trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất; gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp... 

Trong khi đó, đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc có những tín hiệu khả quan, sẽ tác động tới giá dầu thế giới, có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lạm phát toàn cầu, gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa của các nước ASEAN, nơi có cơ cấu sản xuất, xuất khẩu có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc.

Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2023 tiếp tục phục hồi, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Theo đó, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, CPI tháng 2/2023 tăng 4,31% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng CPI tháng 1/2023 là 4,89%. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6%, nhưng cũng cần lưu ý chỉ số CPI cơ bản 2 tháng tăng tới 5,08% so với cùng kỳ.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất cho vay bắt đầu có xu hướng giảm; thanh khoản hệ thống ngân hàng được bảo đảm; điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong nước.

Thu ngân sách Nhà nước hai tháng ước đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa đạt 23,6% dự toán, tăng 17%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới có tín hiệu tích cực, hai tháng đạt 1,76 tỷ USD, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại hai tháng xuất siêu 2,82 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh tích cực, sức cầu tiêu dùng trong nước tăng cao, các hoạt động kinh tế nhanh chóng trở lại bình thường sau Tết, phần nào thể hiện qua chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2/2023 đạt 51,2 điểm, kết thúc chuỗi giảm kéo dài 3 tháng trước đó.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu ra hàng loạt tín hiệu thách thức như thị trường xuất khẩu suy giảm; thị trường và doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn; rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng… đã và đang tác động trực tiếp, rõ nét hơn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm trong nước.

Cụ thể, trong hai tháng đầu năm, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mũi nhọn giảm 6,9%, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%, thấp nhất trong cùng kỳ hai tháng từ năm 2001 đến nay. Hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, gỗ, điện tử, lương thực, thực phẩm… đều giảm hoặc tăng thấp, cá biệt ngành sản xuất thiết bị điện giảm trên 50%.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động hai tháng giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 14,5%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa hai tháng đều giảm, lần lượt là giảm 13,2%, 10,4% và 16% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, thị trường bất động sản cũng như các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn.

"Những yếu tố này có thể tác động đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý I/2023 như đã đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, tạo sức ép cho các quý tiếp theo", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tiếp tục xác định trọng tâm chính sách để kiểm soát lạm phát là đồng thời cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh hiện nay, cần có các giải pháp điều hành chủ động, quyết liệt, chính xác, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn, phù hợp với diễn biến tình hình để vừa không làm tăng thêm vừa hóa giải các khó khăn, thách thức, tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

 

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 sáng ngày 3/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh chỉ còn 1 tháng nữa là hết quý I/2023 - quý khởi đầu và tạo đà cho cả năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm.

Trong khi đó, trên thế giới, một số vấn đề đã và đang tác động tới tình hình trong nước như lạm phát ở Mỹ và các nước châu Âu tiếp tục ở mức cao, Fed đã phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao thời gian tới.

Trong nước, Thủ tướng đặt vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, thị trường, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân...