HoREA: Hơn 150 dự án BĐS tại TP HCM cần được 'giải cứu'

Đông Bắc 07:44 | 06/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản tổng hợp 156 dự án bất động sản của 121 chủ đầu tư đề xuất xem xét tháo gỡ vướng mắc tại TP HCM.

 

HoREA cho biết, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, hiệp hội đã có 9 văn bản báo cáo UBND TP HCM về 156 dự án bất động sản của 121 chủ đầu tư trong 2 năm 2022 - 2023, đề xuất xem xét tháo gỡ vướng mắc và đã được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo xem xét giải quyết.

HoREA nhận thấy vấn đề pháp lý chiếm 70% vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản. HoREA nhất trí với Sở Xây dựng đề xuất "phân nhóm vướng mắc" và giao cho từng sở, ngành liên quan chủ trì phối hợp xem xét giải quyết.

Cụ thể, Sở Xây dựng TP HCM sẽ chủ trì xem xét 8 dự án với 6 nhóm vướng mắc: Hoán đổi nghĩa vụ nhà ở xã hội; xác nhận dự án đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai; mua phần diện tích chung thuộc sở hữu nhà nước trong dự án chung cư cũ; thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội tại dự án thương mại bằng hình thức nộp tiền; cấp giấy phép xây dựng; xác định dự án có được phép bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hay không.

 HoREA kiến nghị giải cứu 156 dự án bất động sản của 121 chủ đầu tư trong 2 năm 2022 - 2023. Ảnh KTĐT.

Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì xem xét 10 dự án với 1 nhóm vướng mắc là điều chỉnh quy hoạch.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xem xét 24 dự án với 15 nhóm vướng mắc: Đấu giá quyền sử dụng đất; bồi thường giải phóng mặt bằng; chuyển mục đích sử dụng đất; giao đất bổ sung; gia hạn thời gian thuê đất; xem xét miễn tiền sử dụng đất; thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính; rà soát quá trình xử lý nhà, đất, trình tự thực hiện dự án; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cư dân sau khi dự án xây dựng hoàn thành; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp sau khi đã đền bù và hoàn tất cơ sở hạ tầng; đánh giá tác động môi trường; giải quyết đối với phần diện tích mở rộng ngoài ranh giao đất; hoán đổi phần đất còn lại sang vị trí khác; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất.

HoREA kiến nghị không thí điểm đánh thuế nhà, đất thứ hai

Liên quan đến kiến nghị, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng vừa kiến nghị UBND TP HCM và Sở Tài chính không thí điểm tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở, không tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên tại thành phố vào thời điểm hiện nay.

Theo HoREA, đề xuất thí điểm này "không hợp tình hợp lý", nhất là trong lúc thu nhập của các hộ gia đình, cá nhân nhìn chung đang bị sụt giảm và cả nước đang trong quá trình nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, đồng thời đương đầu với những thách thức rất lớn của các “cơn gió ngược” tác động từ bên ngoài.

"Nếu tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở theo phương án thí điểm thì sẽ làm tăng thêm mức chịu thuế của người dân tại TP HCM và càng không hợp lý bởi chỉ trong khoảng hai năm nữa sẽ xem xét sửa đổi các luật thuế, trong đó có dự kiến bổ sung thuế tài sản", HoREA nhận định.

  Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA . Ảnh Quốc hội.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đề xuất này cũng không phù hợp với lộ trình dự kiến đến khoảng năm 2025 thì Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật thuế, trong đó có đề án về Luật Thuế tài sản (Thuế bất động sản).

Hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ khung giá đất và giao cho cấp tỉnh ban hành bảng giá đất hàng năm theo nguyên tắc việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường. Điều đó có nghĩa là giá đất trong bảng giá đất sẽ cao hơn và không còn tình trạng giá đất quá thấp, chỉ bằng khoảng 30-50% giá đất trên thị trường như hiện nay.

“Nếu tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở theo phương án thí điểm thì sẽ làm tăng thêm mức chịu thuế của người dân tại TP.HCM. Nếu vậy càng không hợp lý bởi lẽ chỉ trong khoảng 2 năm nữa thì sẽ xem xét sửa đổi các luật thuế, trong đó có dự kiến bổ sung thuế tài sản và dự kiến Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét ban hành vào cuối năm 2023”, ông Châu phân tích.

Còn đề xuất thí điểm "tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên" với mức thuế suất tăng khá cao so với mức thuế suất hiện nay, là 2% giá trị hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất, thì người bán, chuyển nhượng nhà đất thứ 2 tại TP HCM sẽ phải nộp thêm tiền thuế, do "được thí điểm trước" cũng là không hợp tình hợp lý.