Giá đất Đông Anh, Gia Lâm biến động trước thềm lên quận

Đông Bắc 16:28 | 24/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Quyết định của UBND TP Hà Nội hôm 24/10, các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng được cho phép lập đề án thành lập quận, phường trực thuộc. 1 tháng sau quyết định này, giá đất tại huyện Đông Anh và Gia Lâm biến động liên tục.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 3916/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho UBND các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng thực hiện việc lập đề án thành lập quận, phường của 5 huyện. Theo quyết định công bố hôm 24/10, thời hạn cho các huyện trên lập đề án lên quận là từ nay đến hết ngày 31/12/2025.

Trong số 5 huyện trên, Đông Anh và Gia Lâm được coi là trọng tâm để UBND TP Hà Nội hỗ trợ và quyết tâm đưa lên quận vào năm 2023, như lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm cuối tháng 10.

Sau thông tin này, giá nhà đất tại hai khu vực trên được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.

Đông Anh có diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000, gồm 23 xã, một thị trấn. Gia Lâm có diện tích gần 115 km2, dân số 280.000, gồm 20 xã và 2 thị trấn.

Khảo sát thêm trên một số trang mua bán bất động sản cho thấy, đất nền tại huyện Đông Anh hiện nay đang được rao bán phổ biến ở mức 40 - 80 triệu đồng/m2. Cá biệt, những lô đất sở hữu mặt tiền “vàng” đối diện đường Quốc lộ 3 hoặc có vị trí ở khu vực gần những tuyến đường lớn như cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), cao tốc Thăng Long - Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt)... đang xuất hiện mức giá ở ngưỡng hơn 100 triệu đồng/m2, cao nhất có lô lên tới 190 triệu đồng/m2.

 Đấu giá đất tại huyện Đông Anh có giá hơn 150 triệu/m2. Ảnh KTĐT.

Thực tế gần đây, Đông Anh đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại điểm X7, xã Uy Nỗ với 27 thửa đất với tổng diện tích hơn 3.364 m2. Các thửa đất có diện tích từ 115,26 m2 đến 227,89 m2 được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm dao động từ 58 triệu đồng/m2 đến 69 triệu đồng/m2 (tuỳ theo diện tích và vị trí), bước giá áp dụng tại tất cả các thửa đất là 500.000 đồng/m2.

Kết quả, giá trúng đấu giá cao nhất là 168,5 triệu đồng/m2 (gấp hơn 2 lần giá khởi điểm); giá trúng đấu giá thấp nhất là 78,5 triệu đồng/m2.Tổng giá trúng đấu giá thu về gần 409 tỷ đồng.

Trước đó, huyện Đông Anh cũng tổ chức đấu giá loạt lô đất tại xã Dục Tú với giá trúng cao nhất hơn 50 triệu đồng/m2.

Cụ thể, đầu tháng 10, có 27 thửa đất (đợt 1) với tổng diện tích hơn 2.571 m2 tại thôn Dục Tú 1 được đưa ra đấu giá để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm cho các thửa đất thấp nhất từ 28,8 triệu đồng/m2 đến cao nhất 33,7 triệu đồng/m2 (tuỳ theo diện tích và vị trí). Tham gia phiên đấu giá có 109 nhà đầu tư với mức giá trúng cao nhất là 56,7 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá thấp nhất là 35,2 triệu đồng/m2. Tổng giá trúng đấu giá thu về hơn 112 tỷ đồng.

Giữa tháng 10, có 27 thửa đất tiếp theo tại thôn Dục Tú 1 được đưa ra đấu giá. Giá khởi điểm của các thửa đất từ 28,8 triệu đồng/m2 đến 33,7 triệu đồng/m2. Tổng diện tích các thửa đất đưa ra đấu giá là gần 2.600 m2, dao động từ 90 m2 đến 164,17 m2. Phiên đấu giá thu hút 98 nhà đầu tư với mức giá trúng cao nhất là 51,2 triệu đồng/m2; giá trúng đấu giá thấp nhất là 37,3 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá hơn 112 tỷ đồng, chênh lệch hơn 34 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

 Đại dự án Vinhomes Ocean Park hoàn thiện giúp thị trường bất động sản tại huyện Gia Lâm sôi nổi hơn. Ảnh Nhật Di.

Đối với huyện Gia Lâm,  ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn thông tin tại một Diễn đàn về bất động sản gần đây rằng giá đất nền quý III/2022 tại huyện này đã tăng 40%, trong khi lượng tìm kiếm tăng 54% so với quý III/2021.

Từ 2018, thị trường bất động sản tại Gia Lâm đã bắt đầu được chú ý khi đại dự án Vinhomes Ocean Park bắt đầu triển khai. Hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển cũng là nhân tố khiến giá đất tăng vọt. Có thể kể đến nút giao kết nối trực tiếp đường Cổ Linh với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khánh thành, cầu Vĩnh Tuy 2 triển khai đúng tiến độ. Các chuyên gia dự báo, Gia Lâm sẽ đạt đến "độ chín" về hoàn thiện hạ tầng trong 1, 2 năm tới, tạo ra sức hút rất lớn cho giới đầu tư.

Đặc biệt sau khi thông tin lên quận được công bố, khảo sát tại một số trang web bất động sản cho thấy có hiện tượng giá đất nền tại huyện Gia Lâm cũng trong tình trạng neo cao với mức rao bán phổ biến là 50 - 90 triệu đồng/m2. Cá biệt có những lô đất giá rao bán ở mức 134 - 160 triệu đồng/m2, tức cao bằng những lô đất ở vị trí gần trung tâm Hà Nội như quận Cầu Giấy hay Nam - Bắc Từ Liêm.

Nhận định trên Reatimes về đà tăng giá của 2 khu vực Đông Anh và Gia Lâm gần đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nêu ví dụ về một số khu vực khảo sát ở Đông Anh, nhiều dự án cỏ mọc um tùm, xung quanh quây hàng rào, không được đầu tư hạ tầng nhưng giá đất đã được đẩy lên hơn 100 triệu đồng/m2, đắt ngang với khu vực Mỹ Đình đã được đầu tư bài bản.

Do đó, ông Đính khuyến nghị các nhà đầu tư cần thận trọng trong việc mua bán đất đai ở những vùng đang có công bố quy hoạch, bởi vì quy hoạch công bố nhưng vẫn có thể có sự chỉnh sửa để phù hợp.

"Nếu cứ mua bán lòng vòng làm tăng giá đất, rất có khả năng nhà đầu tư gặp phải rủi ro khi mua trúng đất quy hoạch công viên, cây xanh. Theo đồ án quy hoạch ven sông Hồng, tỷ lệ cây xanh chiếm trên 30%", ông Đính thông tin.