Giá đất tại Đông Anh biến động ra sao trước khi lên quận?
Ngày 12/10, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm trước kỳ họp thứ tư, ông Dũng cho hay, thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 3-5 huyện lên quận, nhưng "nếu dàn hàng ngang thì khó thành công". Vì thế, thành phố chọn Đông Anh và Gia Lâm. "Lãnh đạo thành phố đang cùng các huyện đánh giá, từng bước báo cáo các cấp thẩm quyền, cố gắng năm 2023 hai huyện sẽ lên quận", ông Dũng nói.
Theo chương trình Thành ủy Hà Nội ban hành trước đó, 5 huyện sẽ lên quận giai đoạn 2021-2025 gồm Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng và 3 huyện lên quận giai đoạn 2026-2030 gồm Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.
Qua quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội từ chỗ chỉ có 4 quận lõi gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã tăng lên 12 quận như ngày nay (thêm 8 quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và Thanh Xuân).
Huyện Đông Anh diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000, có 23 xã, một thị trấn. Huyện Gia Lâm diện tích gần 115 km2, dân số 280.000, có 20 xã và 2 thị trấn.
Thông tin huyện Đông Anh sẽ lên quận năm 2023 chắc chắn khiến cho thị trường bất động sản tại địa phương này biến động, thậm chí là tăng chóng mặt.
Giá nhà đất “vượt” ngưỡng thị trường
Khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường nhà đất huyện Đông Anh liên tục ghi nhận những đợt “sốt” bởi thông tin quy hoạch phát triển hạ tầng để đưa huyện trở thành đơn vị hành chính cấp quận. Trên thực tế, với việc được đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trọng điểm như tuyến Nhật Tân - Nội Bài hay hàng loạt dự án lớn được TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, như: Công viên Kim Quy, Công viên phần mềm, Trung tâm Triển lãm quốc gia, đặc biệt là thông tin huyện sẽ lên quận... đã tạo thời cơ "thổi giá" đất trong thời gian qua của "cò" đất.
Cụ thể, trong đợt “sốt” cuối quý I/2021 giá nhà đất một số khu vực (Kim Chung, Xuân Canh, Vĩnh Ngọc, Hải Bối...) tăng gấp 2 lần so với thời điểm cuối năm 2020. Tiếp đà tăng giá trên, đến hết quý I/2022, thị trường nhà đất khu vực này lại ghi nhận tăng thêm 20 - 30% so với thời điểm cách đây 1 năm.
Đơn cử tại xã Kim Chung, những tháng cuối năm 2021 giá đất trung bình khoảng 30 triệu đồng/m2, tăng lên 35 - 40 triệu đồng/m2; xã Cổ Loa tăng 25% từ 28 triệu đồng/m2 lên 35 triệu đồng/m2; xã Đông Hội tăng 26% lên xấp xỉ 40 triệu đồng/m2... Tuy nhiên, từ đầu quý II/2022 đến nay thị trường nhà đất ở những khu vực này đã trầm lắng một cách lạ thường.
Số liệu khảo sát thị trường từ batdongsan.com.vn cho thấy, thời gian gần đây nhu cầu tìm kiếm BĐS ở một số địa bàn đã từng xảy ra “sốt đất” thời gian qua, như: Đông Anh, Gia Lâm, Thạch Thất, Quốc Oai... giảm trung bình hơn 10%. Như vậy, có thể thấy, ở thời điểm hiện tại nhu cầu đầu kinh doanh nhà đất ở địa bàn huyện Đông Anh đã giảm mạnh so với thời điểm cách đây 1 năm, thị trường rơi vào tình trạng trầm lắng cục bộ.
Cũng theo số liệu khảo sát thị trường của batdongsan.com.vn và một số website về nhà đất uy tín, nếu như vào thời điểm đỉnh "sốt đất" hồi tháng 3/2021, đất nền dự án trên địa bàn huyện Đông Anh giá trung bình từ 50-80 triệu đồng/m2, đến nay vẫn được giữ nguyên nhưng gần nhu không có giao dịch. Tương tự, đất trong khu dân cư giai đoạn “sốt” giá từ 40-100 triệu đồng/m2, cá biệt khu vực gần với đường lớn gần tuyến Nhật Tân - Nội Bài hay cạnh quốc lộ 23B lên tới 150 triệu đồng/m2, nay đã giảm khoảng 5-10% nhưng lượng giao dịch cũng không nhiều.
Điều kiện phát triển của huyện Đông Anh
Đông Anh là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao nhờ những bứt phá về hạ tầng giao thông. Theo quy hoạch chung của Hà Nội định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Hồng vẫn là trung tâm của thủ đô và phần lớn đất của Đông Anh nằm trong khu vực phát triển đô thị.
Đặc biệt, Hà Nội cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp và hướng dẫn Đông Anh đẩy mạnh các đề án đầu tư, xây dựng phát triển nhằm sớm đưa địa phương trở thành quận trước năm 2025. Hiện huyện đã tập trung thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận.
Cụ thể, Đông Anh đã ban hành và thực hiện 15 đề án thành phần như hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, chiếu sáng, cây xanh, cải tạo ao hồ… Trong tổng số 27 tiêu chí xây dựng huyện Đông Anh lên quận, huyện còn 8 tiêu chí chưa đạt, trong đó, đa phần là do vướng về cơ chế như xử lý nước thải, chi tiêu cân đối ngân sách, mật độ giao thông đô thị…
Hiện nay trên địa bàn huyện Đông Anh đã và đang hình thành một số khu đô thị mới như: Khu đô thị Vinhomes Cổ Loa; Khu đô thị Eurowindow River Park Đông Hội; Khu đô thị Nam Hồng; Khu đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì; Các khu đô thị, khu nhà ở (đã quy hoạch); Khu thương mại dịch vụ 1/5 Đông Anh...
Về giao thông: Cùng với đề án Đông Anh lên quận, các cấp chính quyền đã rất chú trọng, tập trung đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông khu vực.
Các Tuyến Đường Lớn Đi Qua Địa Bàn Huyện: Đường 23B; Quốc lộ 3; Quốc lộ 3 mới (đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên); Quốc lộ 23A (đường 6 km); Đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt); Đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp); Quốc lộ 5 kéo dài gồm đường Trường Sa và đường Hoàng Sa.
Các cây cầu trên địa bàn huyện và nối huyện với các địa phương xung quanh: Cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, cầu Phù Lỗ, cầu Lò So, cầu Lớn, cầu Ngũ Huyện Khê, cầu Đôi, cầu Cổ Loa, cầu Đài Bi, cầu E, cầu Phương Trạch, cầu Lộc Hà, cầu sông Thiếp, cầu Vân Trì.
Các cầu vượt cạn: cầu vượt Kim Chung, cầu vượt Nam Hồng, cầu vượt Vân Trì, cầu vượt Vĩnh Ngọc, cầu vượt Nguyên Khê, cầu vượt Vân Liên Hà, cầu vượt đường sắt Quang Minh.
Ngoài ra còn có dự án cầu Thượng Cát thuộc đường vành đai 3.5 Hà nội và cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng. cầu Thượng Thuy và cầu Mai Lâm qua sông Đuống.
Đường Sắt Đi Qua Huyện Đông Anh gồm: Đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua các xã Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ, TT.Đông Anh, Tiên Dương, Nguyên Khê, Bắc Hồng, Nam Hồng; Đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên chạy qua TT.Đông Anh, các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn; Đường sắt vận chuyển hàng hoá Bắc Hồng - Văn Điển chạy qua các xã Hải Bối, Kim Nỗ, Nam Hồng.