Hà Nội có thể làm những khu nhà ở xã hội tập trung rộng 200-300 ha
Tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn lãnh đạo TP Hà Nội tại quận Hoàng Mai ngày 12/10, nhiều cử tri đề cập đến những bất cập trong quá trình thực hiện dự án nhà ở xã hội như: vấn đề mua, chuyển nhượng, cho thuê; vấn đề sử dụng và chuyển đổi quỹ đất 20%. Từ đó cử tri kiến nghị nghiên cứu vấn đề để có quy định phù hợp với thực tiễn theo hướng sau 5 năm, người mua, thuê cũng phải thuộc đối tượng được Sở Xây dựng phê duyệt.
Đối với quỹ đất 20%, cử tri kiến nghị Quốc hội cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quyền lựa chọn việc sử dụng 20% quỹ đất dự án để xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi quỹ đất 20% dành cho phát triển nhà ở xã hội sang một khu vực khác nhưng vẫn đảm bảo tính đồng bộ về không gian, cảnh quan, phân khúc khách hàng.
Ngoài ra, cho phép các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có thể lựa chọn việc dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội hoặc đổi quỹ đất 20% trong dự án bằng tiền để nộp ngân sách Nhà nước để địa phương sử dụng phát triển nhà ở xã hội.
Trả lời cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, quá trình phát triển nhà ở xã hội còn có nhiều bất cập, trong đó có việc sử dụng quỹ đất 20% của các khu đô thị.
Theo ông, nếu khu đô thị chỉ có khoảng 2 ha thì 20% sẽ rất nhỏ, việc đầu tư nhà ở xã hội dễ manh mún, thiếu đồng bộ. Do đó, hiện nay, Thành phố đã kiến nghị với Chính phủ cho phép xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung. Đây cũng là hướng Thành phố điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó, có thể bố trí những khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích lên tới 200-300 ha. Thành phố còn dự định sẽ chi ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế vừa bảo đảm đồng bộ, vừa giúp hạ giá thành nhà ở cho người dân.
Đối với công tác quản lý đất đai, Bí thư Thành ủy cho biết, Thành phố đã, đang và sẽ tiến hành rà soát để đánh giá các vấn đề, từ đó, có giải pháp hoặc kiến nghị với Trung ương giải quyết những bất cập như thời hạn cho thuê đất công ích 5%; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng...
Phê duyệt chương trình phát triển nhà ở Hà Nội giai đoạn 2021-2030
UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 3627/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.
Việc phát triển nhà ở của thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2021-2030 gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ, quản lý theo quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm; phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững.
Hà Nội sẽ phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên sông Hồng và sông Đuống...
Bên cạnh phát triển nhà ở bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả, Hà Nội cũng chú trọng phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở...
Dự báo nhu cầu tổng thể nhà ở giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố là 89 triệu m2 sàn. Trong đó, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021-2025 khoảng 44 triệu m2 sàn; giai đoạn 2026-2030 là 45 triệu m2 sàn. Dự báo nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn 2021-2030 là khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng.
Đến năm 2025, thành phố phấn đấu diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29,5 m2/người; phát triển mới 22,5 triệu m2 sàn nhà ở riêng lẻ; khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; khoảng 0,565 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư; 19,69 triệu m2 sàn nhà ở thương mại. Triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp), các khu chung cư, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại có phát sinh trong quá trình kiểm định và các khu chung cư, nhà chung cư khác có tính khả thi, đủ điều kiện để triển khai theo quy định.
Đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 32 m2/người; phát triển mới khoảng 22,5 triệu m2 sàn nhà ở riêng lẻ; 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; 1,3 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư; 15,19 triệu m2 sàn nhà ở thương mại. Triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ (6 khu có tính khả thi cao: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và hoàn thành 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D)...