Giá dầu liên tục giảm trước những lo ngại về suy thoái kinh tế

Lê Thị Xuân Phương 14:43 | 10/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giá dầu giảm hơn 1% vào phiên giao dịch sáng ngày 10/5, tiếp nối đà giảm mạnh 6% của ngày hôm trước khi thị trường tài chính toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Theo thống kê mới nhất, giá dầu thô Brent giảm 1,19 USD, tương đương 1,1%, về mức 104,75 USD / thùng lúc 06h07 GMT. Mức giá thấp nhất trước điều chỉnh là 103,19 USD. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,07 USD, tương đương 1%, xuống 102,02 USD / thùng sau khi chạm mức thấp nhất trong ngày là 100,44 USD.

Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu hàng đầu, tiếp tục chiến lược đóng cửa nghiêm ngặt vì Covid-19. Đồng thời, giá USD tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế gây ra lo lắng về triển vọng nhu cầu trên toàn cầu.

Sự sụt giảm phản ánh xu hướng trên thị trường tài chính toàn cầu, khi các nhà đầu tư rời bỏ tài sản rủi ro do lo lắng về việc tăng lãi suất tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Đồng USD đã giữ mức gần như cao nhất trong 20 năm, khiến giá dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa ING, cho biết: “Tình hình kiểm soát Covid-19 của Trung Quốc, và nguy cơ suy thoái ngày càng gia tăng gây bất lợi cho các loại tài sản rủi ro”.

Dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã chậm lại ở mức một con số, mức thấp nhất trong gần hai năm, do nước này kéo dài các đợt đóng cửa hạn chế sự lây lan của Covid-19.

Giá dầu đã được đẩy lên vào tuần trước sau khi Ủy ban châu Âu đề xuất một lệnh cấm vận theo từng giai đoạn đối với dầu của Nga. Tuy nhiên, việc phê duyệt đã bị trì hoãn trong bối cảnh các thành viên Đông Âu yêu cầu miễn trừ và nhượng bộ vì phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng của Nga. 

Lệnh trừng phạt mới, hiện đang được soạn thảo, có khả năng sẽ bỏ lệnh cấm vận đối với các tàu chở dầu Nga sang châu Âu, sau áp lực từ Hy Lạp, Cyprus và Malta. 

Patterson nói: “Rõ ràng, các thành viên EU đang khó khăn để đi đến một thỏa thuận về lệnh cấm vận đối với Nga”. Ông dự đoán quy mô và tính chất các gói trừng phạt được đề xuất sẽ giảm hơn nữa.” 

Thị trường tài chính cũng lo ngại rằng một số nền kinh tế ở châu Âu có thể gặp khó khăn nếu lượng dầu nhập khẩu từ Nga bị cắt giảm thêm, hoặc nếu Nga trả đũa bằng cách cắt nguồn cung khí đốt.

Các quan chức Đức đang âm thầm chuẩn bị cho trường hợp có thể bị ngừng nguồn cung cấp khí đốt Nga đột ngột. Một nhà kinh tế cấp cao cho biết việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga cho Đức sẽ gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng và làm mất đi nửa triệu việc làm.

Hungary cũng đã khẳng định lại lập trường của mình rằng họ sẽ không chấp nhận vòng trừng phạt mới được đề xuất đối với Nga cho đến khi những lo ngại của nước này được giải quyết.