Giá dầu thô tăng cao nhất kể từ tháng 3/2020

20:55 | 04/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong phiên giao dịch chiều 4/1, giá dầu thô chạm mức cao nhất từ tháng 3/2020 nhờ những đồn đoán rằng các nhà sản xuất có thể cắt giảm sản xuất do bối cảnh đại dịch ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ.
Theo Reuters, chiều 4/1, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn có thời điểm lên 53,17 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lên 49,71 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020. 
 
Vào lúc 14 giờ 36 phút, giá dầu Brent giao tháng Ba tăng 1,14 USD (2,2%) lên 52,94 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tháng 2/2021 tăng 98 xu Mỹ (2%) lên 49,50 USD/thùng. Hiện tại, giá giảm nhẹ về lần lượt 52,39 USD và 48,86 USD.
 
Reuters dẫn lời nhà phân tích Virendra Chauhan của Energy Aspects nhận định xu hướng suy yếu của đồng USD và việc các nhà đầu tư kỳ vọng vào đà phục hồi của lĩnh vực dầu mỏ trong năm nay có thể hỗ trợ giá dầu. Chuyên gia này cũng cho rằng, các nhà sản xuất đang tìm cách hạn chế nguồn cung trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.
 
Giá dầu thô ngày 4/1: Tăng cao nhất kể từ tháng 3/2020

Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo ngày 3/1 cho biết ngoài những yếu tố thuận lợi, thị trường dầu thế giới sẽ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro bất lợi trong nửa đầu năm 2021, khiến triển vọng của giai đoạn này rất trái chiều.

Ông Barkindo nói thêm, OPEC hiện dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ do các nước đang phát triển “dẫn dắt” và có thể tăng lên 95,9 triệu thùng/ngày vào năm 2021, khi nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 4,4% dù thực tế còn nhiều rủi ro kéo giảm giá dầu. Con số trên tương đương mức tăng 5,9 triệu thùng/ngày so với năm 2020, thấp hơn dự báo trước đó hồi tháng 12/2020 của OPEC là 6,25 triệu thùng/ngày.

Giá dầu thô chốt năm 2020 thấp hơn 20% so với trung bình năm 2019 và vẫn đang hồi phục sau các chính sách phong tỏa toàn cầu do ảnh hưởng dịch COVID-19 năm ngoái. Việc phong tỏa khiến nhu cầu lao dốc, dù các nước sản xuất lớn đã thống nhất mức cắt giảm kỷ lục.
 
Tháng trước, OPEC+ quyết định nâng sản lượng thêm 500.000 thùng một ngày trong tháng 1, do dự báo nhu cầu bật tăng. Nhóm này sẽ nhóm họp mỗi tháng để xem xét lại sản xuất. Trong khi các nhà phân tích tại Energy Aspects và RBC Capital cho rằng OPEC+ có thể duy trì mức sản xuất của tháng 1 trong tháng 2.
 
 
Hà Ly