Giá gạo Việt Nam lên đỉnh: Còn nhiều nỗi lo

15:04 | 26/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đằng sau những thông tin tích cực của việc giá gạo Việt Nam lên đỉnh là những nỗi lo chất chứa chưa được giải quyết.

Bảng giá gạo xuất khẩu VFA ngày 14/8 công bố: Gạo 5% tấm Việt Nam đang có mức giá giao dịch vào khoảng 493 – 497 USD/tấn. Mức này cao hơn với giá gạo cùng loại của các quốc gia khác như Thái Lan (473 – 477 USD/tấn), Pakistan (423 – 427 USD/tấn), Ấn Độ (378 – 382 USD/tấn). Lần đầu tiên trong 30 năm qua, gạo Việt Nam có giá xuất khẩu đứng đầu thế giới.

Không chỉ gạo 5% tấm, nhiều loại gạo khác của Việt Nam cũng đang có mức giá tốt. Giống DT8 mọi năm chỉ bán được với giá 540 USD/tấn thì năm nay lại lên 570 USD/tấn. Gạo 5451 đang đạt ngưỡng 540 – 550 USD/tấn dẫu cho mọi năm mức giá không thể cao hơn 500 USD/tấn.

gao viet nam

Gạo Việt Nam lần đầu tiên có mức giá cao nhất thế giới.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thành công này. Đầu tiên phải kể đến quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam – Thái Lan - gặp khó khăn với sự sụt giảm của đồng Baht. Điều này làm hoạt động xuất khẩu của đất nước chùa Vàng bị thiệt thòi.

Cán cân cung cầu của gạo 5% tấm cũng có sự chênh lệch đáng kể. Số lượng gạo trên thị trường hiện nay hầu như không còn. Vụ Hè Thu lại không phải mùa chính để trồng loại gạo này. Vậy nên thị trường đang diễn ra tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu, làm giá tăng mạnh.

Chất lượng gạo Việt Nam cũng đang được cải thiện rõ rệt. Khả năng cung ứng số lượng lớn trong đại dịch COVID-19 khiến Việt Nam trở thành bạn hàng cung cấp gạo tin cậy với nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiệu ứng tích cực của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng giúp thị trường có đà tăng trưởng tích cực. Thuế suất giảm khiến các nhà cung ứng tự tin nâng cao sản lượng xuất khẩu sang châu Âu.

Dự kiến, đà tăng trưởng của hạt gạo Việt Nam sẽ không dừng lại ở đó. Những hoạt động xúc tiếp và thâm nhập nhiều thị trường khác trong thời gian tới sẽ giúp số lượng tăng tưởng được nối dài trong phần còn lại của năm 2020.

Còn nhiều nỗi lo

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến khó lường bởi đại dịch COVID-19, thông tin giá gạo lên đỉnh là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Dẫu vậy, đằng sau những khoảng sáng đó vẫn không thiếu những điểm tối đáng lo ngại.

Điểm đáng lo ngại nhất là việc gạo Việt Nam vẫn chưa có thói quen “chinh phục” các thị trường khó tính trên thế giới. Những thị trường quen thuộc của Việt Nam phần lớn tập trung vào các thị trường không quá khắt khe như Trung Quốc, Philippines, Đài Loan,…

Bên cạnh đó, sau một thời gian đẩy mạnh quá trình tích trữ vì đại dịch COVID-19, nhu cầu gạo trên thế giới vẫn là một dấu hỏi lớn. Nhiều thị trường đã dần đi vào khuynh hướng bình ổn.

gao viet nam

Gạo Việt Nam còn phải làm rất nhiều việc nữa để duy trí mức gia cao của mình.
 
Việc ký kết EVFTA mang lại cho Việt Nam nhiều thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Thị trường khắt khe của châu Âu yêu cầu người nông dân Việt Nam phải tiếp tục nâng cao chất lượng hạt lúa của mình. Các quy trình công nghệ sẽ ngày càng bị siết chặt hơn nữa. Nếu không nhanh chóng thay đổi, các quốc gia khác hoàn toàn có thể vượt mặt nhanh chóng để chiếm lấy ngôi vị số một.
 
Điều này yêu cầu người dân phải chủ động ý thức về việc cải thiện chất lượng. Các cấp cơ quan chức năng cũng cần phải đẩy mạnh cơ chế hỗ trợ người nông dân. Tuy nhiên, những vấn đề này thực tế vẫn đang là bài toán khó chưa được giải quyết ổn thỏa.

Leo lên đỉnh là một con đường khó khăn. Tuy nhiên, duy trì vị trí trên đỉnh còn khó khăn hơn muôn phần. Hạt lúa Việt Nam vì vậy mà còn chất chứa nhiều nỗi lo!

Anh Quân (t/h)