Gia hạn thời hạn điều tra chống bán phá giá sợi dài làm từ polyester

16:40 | 12/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...
Trước đó, ngày 6/4/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BCT về việc Điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.

Sản phẩm bị điều tra thuộc các mã HS: 5402.33.00, 5402.46.00, 5402.47.00.

Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá là từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019.

Thời kỳ điều tra xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước là trong 3 năm 2017-2019.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương, việc điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá được kết thúc trong 12 tháng kể từ ngày có quyết định điều tra (tức ngày 6 tháng 4 năm 2021). Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, Bộ Công Thương có quyền gia hạn thời hạn điều tra thêm 6 tháng.
 
Gia hạn điều tra chống bán phá giá sợi dài làm từ polyester
 
Để có thêm thời gian xem xét, làm rõ những vấn đề phát sinh về lượng thông tin, dữ liệu cần xử lý, căn cứ theo thực tiễn vụ việc và để đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan, ngày 11/3/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 864/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia thêm 6 tháng, theo đó thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 6/10/2021.

Hiện nay, vải dệt sử dụng trong ngành may mặc chủ yếu được dệt từ ba loại sợi: sợi dài làm từ polyester (sợi PFY), sợi xơ ngắn (PSF) và sợi thiên nhiên (chủ yếu là sợi bông), trong đó sợi PFY chiếm khoảng 30% lượng tiêu thụ.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng sợi PFY nhập khẩu vào Việt Nam tăng từ 154 nghìn tấn năm 2017 lên 185 nghìn tấn năm 2019.

Công suất thiết kế của các nhà sản xuất sợi PFY trong nước ước đạt 350.000 tấn/năm, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước (khoảng 270.000 tấn/năm).

Ngày 7/11/2019, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá từ 3 công ty đại diện cho ngành sản xuất trong nước là Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam, Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Industries và Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ, có sản lượng chiếm 67,4% tổng lượng sợi PFY sản xuất trong nước.

Các doanh nghiệp này cho rằng lượng nhập khẩu sợi PFY từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia thời gian qua đã tăng mạnh với mức giá chênh lệch thấp hơn, và là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất sợi PFY của Việt Nam.

Mức thuế chống bán phá giá mà các doanh nghiệp đề xuất đối với sợi PFY từ Trung Quốc là 17,0%; Ấn Độ 54,9%; Indonesia 60,6%; Malaysia 6,4%. Tuy nhiên đây chưa phải kết luận mức thuế cuối cùng của Bộ Công Thương.

Trước đó, đầu tháng 2/2021, Bộ Công Thương cũng ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào quý 2/2021.

 
Nguyễn Dung