Gia Lai hủy bắn pháo hoa đêm giao thừa, lên phương án lập bệnh viện dã chiến

10:47 | 04/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu không tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán, dừng tổ chức các sự kiện mừng xuân. Tỉnh đang lên phương án xây bệnh viện dã chiến trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp.
Ngày 3/2, UBND tỉnh Gia Lai có chỉ thị yêu cầu dừng tổ chức chương trình văn nghệ mừng xuân Tân Sửu 2021 và hủy bắn pháo hoa theo kế hoạch trước đó.
 
Tỉnh cũng quyết định không tổ chức lễ kỷ niệm 250 năm Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa, đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia "Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá" An Khê; Hội Báo xuân Tân Sửu 2021.
 
Gia Lai hủy bắn pháo hoa, lập bệnh viện dã chiến
Phong tỏa tại bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai
 
Đối với Lễ dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Đoàn Kết và Lễ viếng các liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ tổ chức theo thông báo kết luận của Tỉnh ủy.
 
Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu tạm dừng các hoạt động lễ hội, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng; các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như khu vui chơi, giải trí, karaoke, massage, vũ trường, các điểm trò chơi game online, các đại lý Internet đến khi có thông báo mới.
 
Chiều cùng ngày, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Y tế, đánh giá cơ sở vật chất của Trung tâm điều trị chất lượng cao ở TP Pleiku, Gia Lai, có thể trưng dụng làm bệnh viện dã chiến. Phương án này được địa phương đưa ra sau khi ghi nhận 14 ca mắc COVID-19 ở 5 huyện, thị xã, thành phố.
 
Thứ trưởng cho rằng Trung tâm điều trị chất lượng cao ở TP Pleiku (đơn vị ngoài công lập) rất phù hợp để trưng dụng làm bệnh viện dã chiến. "Cơ sở này nằm độc lập, hạ tầng đầy đủ, vật chất đảm bảo. Chúng ta chỉ cần đầu tư thêm trang thiết bị, và xây dựng trung tâm cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng", Ông Tuyên nói.
 
Lãnh đạo Bộ Y tế giao Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng Sở Y tế Gia Lai khảo sát thực tế cơ sở này. Có bao nhiêu buồng và giường bệnh, vị trí nào có thể đặt được trung tâm cấp cứu bệnh nhân COVID-19, đồng thời khảo sát toàn bộ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo Thứ trưởng, để nâng công suất xét nghiệm tại Gia Lai, Bộ Y tế đã huy động máy móc của Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP HCM, có thể xét nghiệm 3.000 mẫu một ngày; đồng thời huy động thêm 30 cán bộ y tế hỗ trợ Gia Lai truy vết.

Tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương có dịch tổ chức truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2 và thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung trong thời gian 21 ngày.
 
UBND các huyện, thị xã; các sở, ngành chức năng triển khai ngay các phương án cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân trong vùng dịch.

Các địa phương không để đứt gãy lưu thông, thiếu hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, chống đầu cơ tích trữ, buôn bán các mặt hàng y tế, các mặt hàng thiết yếu trái pháp luật.
 
 
Hà Ly