Giá vàng tiến sát 81 triệu đồng/lượng

Anh Đào 11:52 | 02/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giá vàng tăng vọt trong ngày cuối tuần lên mức kỷ lục mới khi tiến sát 81 triệu đồng một lượng, đẩy chênh lệch chênh lệch giữa chiều mua và bán lên 2,5 triệu đồng.

Cập nhật lúc 11h hôm nay,  giá vàng SJC niêm yết chiều mua vào - bán ra là 78,45 - 80,95 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 chiều mua vào và tăng đến 1,2 triệu đồng chiều bán ra so với hôm qua. Giá bán ra tăng mạnh hơn đẩy chênh lệch giữa chiều mua và bán lên 2,5 triệu đồng.

Đây cũng là mức giá cao nhất trong 1 tuần qua.

Diễn biến giá vàng SJC trong một tuần qua. (Nguồn: Doji).

Cuối năm 2023, giá vàng miếng có nhiều biến động. Trong khi vàng nhẫn, nữ trang ổn định trong khoảng 63-64 triệu đồng mỗi lượng, giá vàng miếng SJC có lúc vọt lên mức kỷ lục hơn 80 triệu đồng mỗi lượng. Những ngày sau đó, giá vàng miếng liên tục nhảy múa, có thời điểm chênh lệch so với thế giới vọt lên 20 triệu đồng. Chênh lệch giá mua - giá bán vàng miếng SJC cũng bị đẩy lên trên 3 triệu đồng/lượng.

Mới đây trên kênh Tài chính và Kinh doanh, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, đã chỉ ra hai vấn đề của thị trường vàng Việt Nam hiện nay. Một là giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Hai là giá vàng trong nước và thế giới ngày càng chênh lệch.

Ông cho hay giai đoạn từ 2015 đến trước năm xảy ra COVID-19, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đi sát nhau, tuy nhiên sau đó giá vàng thế giới đi lên, giá vàng Việt Nam tăng với tốc độ nhanh hơn, dẫn đến chênh lệch nới rộng.

Tuy nhiên theo ông, việc giá vàng Việt Nam bỏ xa thế giới không phải là vấn đề, bởi vì trên thực tế việc này đã kéo dài suốt từ năm 2020 đến nay. Vấn đề lớn nhất của thị trường vàng hiện nay là chênh lệch giữa giá mua và giá bán trong nước.

"Chênh lệch giữa giá mua và giá bán càng cao thể hiện thị trường thiếu thanh khoản", ông nói.

Vị chuyên gia này cho hay chênh lệch giữa mua bán vàng tăng cao sẽ dẫn đến nhu cầu đầu cơ và nhập lậu vàng, trong khi các loại vàng giao dịch qua biên giới thường sẽ dùng USD tự do để thanh toán, qua đó khiến tỷ giá USD tự do tăng và không tác động nhiều vào tỷ giá USD ngân hàng.

"Tuy nhiên ở đây có hiệu ứng tâm lý, nếu tỷ giá USD tự do tiếp tục tăng cao, các nhà nhập khẩu sẽ có xu hướng mua USD nhiều hơn, vô tình đẩy nhu cầu cao hơn và khi đó giá USD trong ngân hàng sẽ lên cao", ông nói.

Mới nhất ngày 17/2, Phó thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ giao về quản lý thị trường vàng. Từ cuối năm ngoái đến nay, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu cơ quan này có các biện pháp quản lý thị trường vàng, không để giá vàng miếng chênh quá cao so thế giới.

Ngoài việc yêu cầu không chậm trễ trong việc tổng kết Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Phó thủ tướng đồng thời giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương thanh tra, giám sát chặt chẽ thị trường này, hoạt động của các doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng... Việc này nhằm đảm bảo ổn định, an toàn thị trường vàng, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Kết quả thanh tra được Phó thủ tướng giao báo cáo cho Thủ tướng ngay trong tháng 2 năm nay.