Giá xăng dầu và điện nước giảm khiến CPI tháng 11 giảm 0,11% sau 5 tháng liên tục tăng
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo CPI tháng 11/2020. Giá xăng dầu và điện nước giảm khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm 0,11% sau 5 tháng liên tục tăng.
Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 năm 2020. Theo đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,01% so với tháng 10, tăng 0,08% so với tháng 12/2019 và tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp thành lập mới tháng 11/2020 tăng 7,3% so với tháng trước; sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc; tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách đạt mức cao nhất giai đoạn 2011-2020; xuất siêu kỷ lục …là những điểm đáng chú ý trong kỳ công bố này.
Trong mức giảm 0,01% của CPI tháng 11 so với tháng trước có 3/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 0,47% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu ngày 27/10, 11/11 và tăng giá xăng, dầu vào 6/11 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 1,32%. Diễn biến này khiến CPI chung giảm 0,05%.
Bên cạnh đó, giá ô tô mới, đã qua sử dụng giảm do các đại lý ô tô đưa ra nhiều gói ưu đãi để kích thích sức mua của người tiêu dùng và nhóm bưu chính viễn thông giảm do giá điện thoại di động hạ giá cũng tác động đế CPI.
Ở chiều ngược lại, trong 7 nhóm hàng tăng giá, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép có mức tăng cao nhất (tăng 0,14%) so với tháng trước do thời tiết chuyển mùa, nhu cầu mua sắm giày dép, quần áo của người dân tăng.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12% so với tháng trước do tăng giá ở các mặt hàng: đồ trang sức, các vật dụng phục vụ cưới hỏi, dịch vụ phục vụ cá nhân. Nhóm nhà ở vật liệu xây dựng tăng 0,07% so với tháng trước do tăng giá chủ yếu ở mặt hàng gas và thép vì tăng theo giá thế giới...
Nhóm hàng có giá ổn định là nhóm giáo dục do tháng này học sinh đi học ổn định nên không có biến động về giá của các mặt hàng thuộc nhóm này.
Cũng trong tháng 11, giá vàng bình quân trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới và cao hơn 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới sau khi quy đổi. Giá vàng thế giới tăng, giảm liên tục ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và trước các thông tin tích cực về vắc xin ngừa Covid-19 của các hãng dược Pfizer và Moderna. Bình quân đến ngày 25/11/2020, giá vàng thế giới ở mức 1.881,3 USD/ounce, giảm 1,27% so với tháng trước.
Ở trong nước, khi giá vàng thế giới biến động liên tục với biên độ mạnh, các doanh nghiệp kinh doanh vàng thường đặt ra mức giá mua vào và bán ra chênh lệch cao do lo ngại về rủi ro khiến giá vàng trong nước chênh lệch khá lớn với giá vàng thế giới sau khi quy đổi. Bình quân tháng 11/2020, giá vàng trong nước tăng 0,87% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 5,42 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Chỉ số giá USD giảm 0,05%. Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm nhẹ khi số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tăng và ghi nhận con số kỷ lục gần 200.000 ca trong ngày 20/11/2020, một số Tiểu bang đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.
Ở trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ giá giữa VND và USD tháng 11/2020 giảm 0,05% so với tháng trước, giá USD bình quân ở thị trường tự do tháng này ở quanh mức 23.269 VND/USD.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 11/2020 tăng 0,03% so với tháng trước, tăng 1,61% so với cùng kỳ và 11 tháng năm 2020 tăng 2,43% so với cùng kỳ.
Bình quân 11 tháng năm 2020 lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu tăng. Lạm phát cơ bản so với cùng kỳ giảm dần từ mức 3,25% trong tháng 1/2020 về mức 1,61% trong tháng 11/2020.
Tốc độ tăng CPI bình quân 11 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 2,47%; 3,61%; 3,59%; 2,57%; 3,51%.
Giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm 0,22%; giá khách sạn, nhà khách giảm 0,11%; giá dịch vụ giải trí giảm 0,04%. Trong đó, giá rượu các loại tăng 0,07%; giá thuốc lá tăng 0,11%; giá nước uống giải khát có gas tăng 0,02%. Giá gạo tăng 0,75% nhằm chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu và phục vụ nhu cầu dự trữ lương thực do tình hình bão, lũ tại miền Trung kéo dài.
Giá thịt lợn giảm 3,44%; giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn giảm (giá thịt quay, giò chả giảm 1,33%; nội tạng động vật giảm 1,74%; mỡ ăn giảm 5,25%); giá các loại quả có múi như cam, quýt, bưởi giảm 3,32%; giá thịt gia cầm giảm 0,86%.
CPI là phản ánh chỉ số giá tiêu dùng đo lường mức giá trung bình của giỏ hàng hóa và dịch vụ mà một người tiêu dùng điển hình mua. Chỉ số giá tiêu dùng là một chỉ tiêu tương đối phản ánh xu thế và mức độ biến động của giá bán lẻ hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ dùng trong sinh hoạt của dân cư và các hộ gia đình. Bởi vậy nó được dùng để theo dõi sự thay đổi của chi phí sinh hoạt theo thời gian. Khi CPI tăng đồng nghĩa với việc mức giá trung bình tăng và ngược lại. Sự biến động của CPI có thể gây ra lạm phát hoặc giảm phát từ đó làm suy sụp cả một nền kinh tế. Khi giá cả tăng tới mức không thể kiểm soát nổi thì lạm phát trở thành siêu lam phát. |
Nguyễn Dung(t/h)