Giá xăng ngày mai sẽ tiếp đà tăng?

17:43 | 10/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nguyên nhân xuất phát từ diễn biến tăng cao của giá nguyên liệu thế giới.

Cụ thể, từ ngày mai 11/10 thì mỗi lít xăng có thể tăng trung bình từ 800 đến 1000 đồng, đây đã lần thứ ba liên tiếp giá mặt hàng này tăng bởi sự biến động từ giá nhiên liệu thế giới. 

Dữ liệu của Bộ Công thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 4/10 tăng mạnh so với kỳ tính giá ngày 25/9.

Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình 86,61 USD/thùng, xăng RON 95 là 88,21 USD/thùng, cùng tăng khoảng 5% so với kỳ trước. Giá dầu cũng biến động đi lên, dầu thô có ngày chạm mức cao nhất trong vòng gần ba năm, đạt 87,78 USD/thùng. 

Ảnh minh họa

Kể từ thời điểm ngày 11/11/2020, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 15 lần, giảm 3 lần và giữ nguyên giá 3 lần, với xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 6.831 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 7.244 đồng/lít.

Trong trường hợp nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể sẽ tăng ít hơn. Tuy nhiên, chuyên gia xăng dầu trả lời với Tri thức trực tuyến rằng vị này không tin tưởng về phương án này bởi mức chi quỹ bình ổn giá xăng dầu đang khá cao (với mặt hàng xăng E5 RON 92 là 850 đồng/lít).

Hiện tại, giá bán lẻ mặt hàng xăng trên thị trường đang ở mức cao nhất trong vòng 3 năm qua, với xăng E5 RON 92 là 20.716 đồng/lít, với xăng RON 95 là 21.945 đồng/lít.

Tuần vừa qua, giá dầu liên tiếp tăng mạnh và có thời điểm chạm mức cao nhất trong vòng gần 7 năm. Giá dầu WTI của Mỹ hiện đạt ngưỡng 79,35 USD/thùng, dầu Brent 82,39 USD/thùng. Hiện tượng này xuất hiện bắt nguồn từ động thái OPEC+ từ chối đẩy nhanh tiến độ khai thác bất chấp nhu cầu dầu mỏ thế giới ngày càng lớn. Nhiều quốc gia bắt đầu nới lỏng dần các lệnh phong tỏa và cấm đi lại; đồng thời mùa đông đang tới khiến nhu cầu với dầu hỏa đang ngày càng tăng cao, nhiều chuyên gia đã đưa ra viễn cảnh về mức giá "vàng đen" tăng phi mã đến 100 USD/thùng trong tương lai. 

Kiềm chế giá xăng, dầu qua thuế phí?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Bảo - chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thì nếu không có giải pháp đồng bộ khác về thuế phí, rất khó để bình ổn giá xăng dầu trong thời gian tới. 

Ông nêu rõ bối cảnh hiện tại, dịch COVID-19 gây áp lực lớn về điều chỉnh giá xăng dầu. Bên cạnh đó, những công cụ nhà điều hành có thể sử dụng để bình ổn giá xăng dầu là quỹ bình ổn đều đã "cạn" dần, khi ở một số doanh nghiệp xăng dầu ghi nhận mức âm quỹ. Trước đó, ngay sau khi công bố giá xăng dầu tại kỳ điều hành gần đây nhất là ngày 25/9, nhiều DN đã công bố số dư quỹ bình ổn. Trong đó, Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) cho hay Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã âm hơn 193 tỉ đồng và Tổng công ty Dầu VN (PVOil) âm hơn 709 tỉ đồng. 

Một số DN đầu mối có mức dương quỹ bình ổn nhưng số dư đang ở mức thấp, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. 

Hiện tại, do nguồn thu từ xăng dầu là cân đối lớn của nhà nước từ nhiều năm nay nên việc giảm thuế sẽ rất khó khăn. Nhưng, vẫn còn dư địa để điều chỉnh theo hướng giá giảm, nhất là với mặt hàng E5 bởi lẽ cơ cấu giá của mặt hàng này mang tính bù lỗ. Do đó, nhà điều hành có thể cân nhắc giảm thuế môi trường trong ngắn hạn hoặc lựa chọn giảm một số loại thuế, phí của các mặt hàng khác để có thêm dư địa giảm giá. "Nhà nước thực hiện điều chỉnh giảm thuế phí xăng dầu cũng để chia sẻ khó khăn với người dân, DN trong bối cảnh hiện nay", ông Bảo góp ý.