Giá xi măng - thép đảo chiều, ngành xây dựng buồn vui lẫn lộn
Giá thép trong nước giảm lần thứ tư trong 3 tuần
Nhiều doanh nghiệp thép hạ giá sản phẩm từ ngày 1/6, lần giảm thứ 4 liên tiếp trong ba tuần.
Giá thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm 210.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn đối với thép CB240 và D10 CB300, xuống còn 17,25 triệu đồng/tấn và 17,81 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, giá hai loại thép trên lần lượt giảm 200.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn xuống còn 17,25 triệu đồng/tấn và 17,71 triệu đồng/tấn.
Với thương hiệu Việt Ý, giá thép CB240 và D10 CB300 hạ theo thứ tự là 200.000 đồng/tấn và 350.000 đồng/tấn xuống 17,22 triệu đồng/tấn và 17,73 triệu đồng/tấn.
Giá thép Việt Đức ở khu vực miền Bắc sau điều chỉnh còn 17,12 triệu đồng/tấn và 17,78 triệu đồng/tấn, cùng giảm 200.000 đồng/tấn cho hai loại thép CB240 và D10 CB300.
Thép Kyoei giảm 200.000 đồng/tấn và 350.000 đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300. Sau thay đổi, giá còn lần lượt là 17,22 triệu đồng/tấn và 17,68 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Nhật hạ 200.000 đồng/tấn đối với cả hai loại CB240 và CB300. Sau khi giảm, giá còn lần lượt là 17,17 triệu đồng/tấn và 17,37 triệu đồng/tấn.
Thép miền Nam cũng cùng mức giảm 200.000 đồng/tấn đối với hai loại thép trên. Từ ngày 1/6, giá CB240 và CB300 còn 17,66 triệu đồng/tấn và 18,07 triệu đồng/tấn.
Thép Pomina giảm 210.000 đồng/tấn đối với CB240 và 300.000 đồng/tấn đối với CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại trên còn 18,06 triệu đồng/tấn và 18,27 triệu đồng/tấn.
Như vậy trong ba tuần, giá thép đã giảm 4 lần liên tiếp với tổng mức giảm khoảng 1,1-1,7 triệu đồng/tấn. Cụ thể, thép CB240 và CB300 của Hòa Phát ở miền Bắc giảm lần lượt 1,08 triệu đồng/tấn và 1,43 triệu đồng/tấn. Thép Việt Ý hạ 1,67 triệu đồng/tấn và 1,26 triệu đồng/tấn với hai loại thép trên.
Theo các chuyên gia trong ngành, chính sách "Zero COVID" tại Trung Quốc đã tác động làm nhu cầu thép tại nước này giảm. Giá thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc ngày 31/5 là 4.826 nhân dân tệ/tấn (723 USD/tấn), giữ nguyên so với ngày trước đó nhưng trong tuần trước, giá mặt hàng này hạ gần 1%.
Cùng đó, giá nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất thép đi xuống cũng góp phần khiến giá thép hạ nhiệt. Theo Trading Economics, giá quặng 62% Fe tại Trung Quốc là 133 USD/tấn, giảm gần 20% so với đầu tháng 4.
Doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá
Từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều doanh nghiệp xi măng liên tục thông báo điều chỉnh tăng giá khoảng 55.000-80.000 đồng/tấn. Theo đó, từ ngày 10/5, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn thông báo điều chỉnh tăng giá bán xi măng bao và rời thêm 70.000 đồng/tấn. Tương tự Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai cũng tăng 80.000 đồng/tấn đối với tất cả loại.
Ngày 12-20/5, liên tiếp các công ty xi măng như: Vicem Hoàng Thạch, Tân Thắng, Xuân Thành Quảng Nam, Sông Lam, Luks Việt Nam, Nghi Sơn, cũng thông báo tăng giá bán 55.000-80.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).
Nguyên nhân được các doanh nghiệp lý giải rằng giá nguyên vật liệu tăng cao như: than, dầu, thạch cao... dẫn đến giá thành sản xuất tăng, mặc dù doanh nghiệp đã tìm nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Công ty cổ phần xi măng Bỉm Sơn tính toán mức độ ảnh hưởng của giá than tăng lần này đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của clinker gần 85.000 đồng/tấn, bao PCB30 xấp xỉ 50.000 đồng/tấn, bao PCB40 gần 58.000 đồng/tấn, rời PCB40 công nghiệp trên 65.000 đồng/ tấn.
Những đợt điều chỉnh tăng giá liên tiếp của các doanh nghiệp xi măng nhằm đảm bảo cân bằng hiệu quả sản xuất kinh doanh trong bối cảnh chi phí đầu vào đang tăng cao và nhanh. Trong đợt điều chỉnh tăng giá hồi tháng 3 và đầu tháng 4 năm nay, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất xi măng đều công bố mức tăng 100.000-150.000 đồng/tấn sản phẩm.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm, giá xi măng tăng 13,7% so với 5 tháng cùng kỳ năm 2021 và tăng 3% so với quý IV/2021.
Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, trong tháng 5, sản lượng tiêu thụ xi măng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu ước đạt 9,27 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 5,97 triệu tấn; xuất khẩu ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 44,12 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2021.