Giải cứu mỗi Vietnam Airlines có vực được cả ngành hàng không?

14:22 | 20/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo chuyên gia kinh tế việc Chính phủ giải cứu Vietnam Airlines cũng có chính sách hỗ trợ các hãng hàng không khác để đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh và vực dậy cả một ngành kinh tế chủ lực.
Chiều 17/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14, trong đó nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
 
Theo đó, gói hỗ trợ chia làm 2 phần: 8.000 tỷ đồng tăng vốn và 4.000 tỷ đồng vốn vay. Với khoản 4.000 tỷ đồng, Chính phủ sẽ đứng ra bảo lãnh cho Vietnam Airlines vay ngân hàng thương mại với lãi suất tái cấp vốn là 0%, tức gián tiếp hỗ trợ cho Vietnam Airlines mỗi năm 160 tỷ đồng. Còn với gói hỗ trợ tăng vốn 8.000 tỷ đồng, thông qua SCIC, đây cũng là một khoản đầu tư hấp dẫn.
 
Tại sao buộc phải giải cứu Vietnam Airlines?
 
Theo số liệu của Cục Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải) 5 hãng hàng không Việt Nam bao gồm: Vietnam Airlines, ViejJet Air, Jestar Pacifics, Vasco, Bamboo Airlines khai thác tổng 15.916 chuyến bay, giảm 44,3% so với cùng kỳ năm 2019, vận chuyển 25,6 triệu hành khách, giảm 44,1% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Ảnh hướng dịch COVID-19 khiến lượng hành khách thông qua cảng hàng đạt dưới 52,8 triệu khách, giảm 45,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 7,1 triệu khách, giảm 79,4% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa đạt 45,7 triệu khách, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Giải cứu mỗi Vietnam Airlines có vực được cả ngành hàng không? - ảnh 1
Ngành Hàng không bị ảnh hưởng mạnh từ dịch COVID-19.
 
Đặc biệt, Vietnam Airlines hiện là hãng sở hữu phần lớn đường bay quốc tế từ Việt Nam. Theo báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh được Vietnam Airlines thông tin, tổng doanh thu hợp nhất trong 9 tháng năm 2020 của Vietnam Airlines ước đạt 23.948 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức lỗ hợp nhất dự kiến ở mức 10.750 tỷ đồng; trong đó mức lỗ của công ty mẹ là hơn 8.700 tỷ đồng. Trưởng Ban Tài chính Vietnam Airlines cho biết giải pháp giúp Vietnam Airlines có thể đảm bảo thanh khoản, duy trì hoạt động và sống sót là tới thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines đã chủ động cắt giảm tới 5.335 tỷ đồng.
 
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường - Giảng viên Học viện Tài chính: “Trong xã hội có những ngành kinh tế cốt lõi, đó là những ngành có tính lan tỏa lớn, ảnh hưởng lớn thì phải được cứu trước, bởi nếu ngành này phá sản thì kéo theo nhiều doanh nghiệp khác cũng phá sản. Hàng không liên quan tới cả vấn đề kinh tế lẫn an ninh, nếu doanh nghiệp hàng không phá sản thì sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế, xã hội. Đây cũng là ngành đặc thù bởi nhu cầu vốn rất lớn, bản thân doanh nghiệp không thể tự cứu mình được, vì thế nhà nước phải bơm vốn, hỗ trợ trực tiếp”. 
 
Trả lời trên Tuổi Trẻ Online, Ông Nguyễn Đức Kiên - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng quyết định này được đưa ra dựa trên tính chất Nhà nước là chủ sở hữu của VNA, trong khoản cho vay này, VNA vẫn phải trả lãi 4%, cả lãi và nợ gốc đều tính vào phần vốn góp nhà nước.
 
Hiện nay Nhà  nước là chủ sở hữu nắm 86% vốn tại VNA, việc cứu trợ là thực hiện trách nhiệm của chủ sở hữu đối với hãng. Đây không phải là chính sách hỗ trợ chung cho tất cả các hãng hàng không. Theo đó, các cổ đông khác cũng phải đóng góp để tăng vốn vào VNA, để duy trì tỉ lệ vốn góp của họ.
 
Trả lời báo chí theo ông Trần Thanh Hiền - trưởng ban tài chính kế toán của VNA: "Tính toán của VNA cho thấy trong 3 năm sẽ cân đối, thừa khả năng để trả chứ không phải là tay không bắt giặc”.
 
Tổng tài sản của VNA hiện nay là trên 70.000 tỉ đồng nhưng hãng chưa bán tài sản để bảo đảm rủi ro sống sót qua dịch như nhiều hãng hàng không trên thế giới. 
 
Giải cứu mỗi Vietnam Airlines có vực được cả ngành hàng không? - ảnh 2
Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Nên kết hợp nhiều hình thức hỗ trợ

Trả lời PV Doanh Nhân Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng: “Hàng không là một ngành quan trọng nên hỗ trợ ngành hàng không thoát khỏi khó khăn do đại dịch COVID-19 là cần thiết, đặc biệt là dựa trên kết quả ngành này có được sau 30 năm qua. Ngành hàng không được hỗ trợ cũng sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng cho các ngành khác, đặc biệt là ngành du lịch trong thời gian tới.
 
Cách thức hỗ trợ trong bối cảnh dịch COVID- 19 có thể sẽ có đặc thù, nhưng về cơ bản cần phải đảm bảo nguyên tắc thị trường, như: cơ sở của việc bảo lãnh, doanh nghiệp sẽ hoàn trả như thế nào? Chính phủ sẽ có điều kiện gì đối với doanh nghiệp được bảo lãnh, các doanh nghiệp sẽ sử dụng nguồn lực này ra sao để đảm bảo mục tiêu Chính phủ đặt ra là giải cứu được doanh nghiệp khỏi khó khăn, làm sao để nguồn lực này được sử dụng có hiệu quả?... Đây là những điều được nhiều doanh nghiệp quan tâm, cần phải đảm bảo sự tiếp cận của doanh nghiệp một cách công bằng, công khai và minh bạch”.
 
Trao đổi với PV Doanh Nhân Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực-Cố vấn cao cấp của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cũng cho rằng: Hàng không là ngành cực kỳ thiết yếu, quan trọng và có mức độ lan toả lên đến 34-35 ngành nghề và lĩnh vực khác. Vì vậy việc hỗ trợ là cực kỳ cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong trường hợp phải hỗ trợ doanh nghiệp hàng không thì nên hỗ trợ toàn ngành, không nên có sự phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ, nhà nước hay tư nhân hoặc việc doanh nghiệp có kêu khó hay không?.
 
Nếu loại trừ các đường bay mang tính an ninh và đặc biệt, khả năng cung ứng vận tải hành khách quốc tế là đồng đều và mức độ ảnh hưởng trong dịch COVID-19 cũng tương ứng. Hiện nay Vietjet Air đang khai thác 22 đường bay với 16 điểm đến chủ yếu trong khu vực châu Á. Vietnam Airlines hiện có tổng cộng có 28 điểm đến tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tháng 1/2020, cũng chính thức là thành viên của IATA (Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế), mục tiêu mở 25 đường bay quốc tế.
 
Nhìn rộng ra tình hình kinh doanh chung, ngoài khoản lỗ lớn của VNA, nếu tính riêng công ty mẹ Vietjet với mảng kinh doanh vận chuyển hành khách và phụ trợ vận tải đã lỗ ròng 2.112 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm giảm tới 80% doanh thu so với cùng kỳ. Còn báo cáo tài chính quý II/2020 của Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) công ty mẹ của hãng bay Bamboo Airways cũng ghi nhận khoản lỗ 838 tỷ đồng.
 
Trên thế giới, đa phần các doanh nghiệp hàng không đều phải tự xoay sở bằng các phương án kinh doanh khác nhau. Ví dụ: Hãng hàng không Qantas Airways là một trong những hãng hàng không lâu đời và có đường bay dài nhất thế giới, thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Nhưng gần 15 năm trước đã cạn tiền và đứng trên bờ vực phá sản. Ngày 27/2/2014, Alan Joyce – CEO của Hãng đưa ra kế hoạch không tăng lương, giảm 2 tỷ AUD trong chi phí và bán 50 máy bay đồng thời sa thải 1/7 tổng số lao động. Chỉ trong vòng vài tháng, kế hoạch phục hồi bắt đầu đơm hoa kết trái và chính Alan Joyce lại là người giúp công ty này quay ngược thế cờ nhanh nhất trong lịch sử. Năm 2018 hãng này đạt mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay 1,2 tỷ USD khác xa với khoản lỗ 2,7 tỷ USD trong năm 2014.
 
Mặt khác, TS Cấn Văn Lực dẫn kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như Đức, Singapore mà Chính phủ đã thực hiện các gói hỗ trợ cho ngành hàng không đều thực hiện 5 giải pháp chính. Trước tiên, giãn, hoãn thuế. Tiếp theo, giãn hoãn các nghĩa vụ trả nợ khác (gồm lãi ngân hàng, phí). Thứ ba, giảm các loại chi phí cho hàng không như thuê sân bay, bãi đỗ, phí môi trường, trợ cấp trả lương cho người lao động. Cuối cùng, doanh nghiệp hàng không được vay để vượt qua khủng hoảng. Tại các nước này, khoản cho vay chiếm 50% giá trị gói hỗ trợ cho ngành hàng không. Vì vậy, TS Lực cho rằng, khi hỗ trợ ngành hàng không nên ưu tiên thực hiện 5 giải pháp như kinh nghiệm các nước.
Hương Lan