Giải thể liên doanh 400 tỷ đồng giữa Vinamilk và Kido

Trang Mai 10:33 | 02/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ban lãnh đạo Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) vừa thông qua việc giải thể Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev. Đây là công ty liên doanh thành lập bởi Vinamilk và CTCP Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) năm 2021 với số vốn 400 tỷ đồng.

Vinamilk cho biết nguyên nhân giải thể là do một số thay đổi trong định hướng phát triển kinh doanh của Vinamilk và Kido. HĐQT giao cho Tổng giám đốc phối hợp với Kido và Vibev trên tinh thần hợp tác để thực hiện các thủ tục giải thể Vibev theo quy định pháp luật. Phía Kido cũng đưa ra lý do tương tự, nhưng bổ sung thêm quyết định này đến từ ảnh hưởng của những biến động khó đoán của thị trường trong nước và kinh tế thế giới.

Ngày 1/3/2021, Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev được thành lập với tổng vốn đầu tư ban đầu của liên doanh là 400 tỷ đồng, Vinamilk góp 51% (tương đương 204 tỷ đồng) và KIDO góp 49% (tương đương 196 tỷ đồng). Hoạt động chính của liên doanh này là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nước giải khát không gas có lợi cho sức khoẻ và kem với thương hiệu Vibev.

 Sữa đậu xanh tươi - sản phẩm của liên doanh Vinamilk và Kido ra mắt tháng 11/2021. Ảnh: Website Vibev

 

Liên doanh này được kỳ vọng sẽ tận dụng được lợi thế hệ thống phân phối có sẵn của Vinamilk và Kido. Đến nay, Vibev đã cho ra mắt 2 dòng sản phẩm sữa hạt và trà với tổng cộng 8 sản phẩm có hạn sử dụng 28 ngày, không sử dụng chất bảo quản.

Nói về tiềm năng củaVibev vào thời điểm mới thành lập, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk nói rằng hợp tác này xuất phát từ nhu cầu của hai bên khi cùng nhìn thấy cơ hội lớn. Cả hai đều có năng lực về nhà máy sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm, quản trị, điều hành doanh nghiệp, nguồn lực tài chính mạnh nên sẽ đưa những mảng chung vào liên doanh để không bị xung đột lợi ích.

Trả lời báo chí vào thời điểm đó, đại diện cho Liên doanh Vibev, ông Mai Xuân Trầm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, Tổng giám đốc Vibev cho biết: “Ngành giải khát của Việt Nam trong những năm gần đây tăng trưởng ổn định từ 8 -10%. Trong đó, ngành giải khát không gas có tốc độ tăng trưởng cao hơn từ khoảng 10 - 12%. So với ngành hàng nước giải khát có gas thì giải khát không gas là nhóm ngành vô cùng tiềm năng, vì người tiêu dùng trong nước hiện nay đã ngày càng quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Về nước tươi hay đồ uống tươi thì trên thị trường hiện nay các đơn vị cung ứng đa số là quy mô nhỏ, công nghệ kỹ thuật còn hạn chế và phục vụ trong phạm vi nhỏ."

Trong một diễn biến khác, Vinamilk vừa thông báo 23/12 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng trả tạm ứng cổ tức đợt 2 năm nay, với tỷ lệ chi trả 14% bằng tiền mặt (1.400 đồng/cp). Ngày giao dịch không hưởng quyền tương ứng là 22/12. Với hơn 2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến công ty cần chi gần 2.926 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Ngày thanh toán dự kiến là 28/2/2023.

Tính đến 1/12, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn nhất của Vinamilk với tỷ lệ nắm giữ 36%, kế tiếp là F&N Dairy Investment Pte.Ltd, với 17,69%. Qua đợt cổ tức này, hai tổ chức nói trên sẽ nhận về lần lượt khoảng 1.053 tỷ đồng và 517 tỷ đồng.

Năm 2022, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Vinamilk đã thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ là 38,5%, tương ứng 3.850 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị cổ tức chi trả bằng tiền dự kiến là 8.046 tỷ đồng. Hồi tháng 8, công ty đã thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 15% tiền mặt, tương ứng số tiền chi ra hơn 3.133 tỷ đồng.