Gian nan điện gió khó điện mặt trời

08:25 | 31/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hai năm trở lại đây, sự phát triển của điện gió và điện mặt trời đã phá khung, đột biến, vượt quá sự tính toán của các nhà quản lý. Điều đó khiến năng lượng tái tạo lâm vào thế bí.
Cái khó bó cái khôn
 
Sự phát triển đột biến của điện gió và điện mặt trời bắt đầu từ sau khi ban hành Nghị quyết 11 và Nghị quyết 39 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên phát triển trong hai lĩnh vực này. Phát triển nhanh chóng nhưng thiếu đồng bộ đã đẩy các cơ quan quản lý và các nhà đầu tư vào cảnh dở khóc dở cười.
 
Theo một chuyên gia, khi xây dựng quy hoạch, Bộ Công thương chưa dự báo chính xác tác động của chính sách ưu đãi đối với năng lượng tái tạo (NLTT) nên không điều chỉnh kịp thời quy hoạch điện năng, do đó công suất điện gió và điện mặt trời đã vượt xa mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
 
Kết quả khảo sát vừa được công bố hôm 29/10/2020, tại buổi tọa đàm "Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo" của các viện nghiên cứu độc lập, cũng như phản ánh của các nhà đầu tư, đầu tư phát triển các dự án NLTT đang gặp nhiều vướng mắc.Đó là quy định độc quyền nhà nước về truyền tải điện của Luật Điện lực làm hạn chế xã hội hoá đầu tư vào lĩnh vực này.
 
Sự thiếu đồng bộ của hệ thống truyền tải điện gây khó khăn cho các dự án sản xuất điện trong việc đấu nối, không giải tỏa hết công suất, buộc giảm sản lượng điện, giảm doanh thu bán điện làm cho phương án tài chính của dự án không đảm bảo như tính toán ban đầu. Điển hình ở các dự án tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
 
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập Đoàn HBRE Hồ Tả Tín cho biết: "Trong thời gian qua, các dự án NLTT được tập trung phát triển tại các khu vực có tiềm năng lớn (các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận) dẫn đến quá tải một số đường dây và trạm biến áp 110kV, 220kV. Việc mất đồng bộ giữa phát triển nguồn NLTT vừa qua đã gây ra các điểm "nghẽn" về truyền tải, phải giảm phát tới 30 - 40%. Thậm chí, có dự án phải giảm hơn 60% công suất. Điều này làm giảm khả năng hỗ trợ cung cấp điện từ các nguồn NLTT trong khi đang thiếu nguồn ở khu vực phía Nam, phải tăng cường huy động từ phía Bắc. Đồng thời, gây thiệt hại cho nhà đầu tư khi không huy động hết khả năng nguồn".
 
Các quyết định về mức giá mua điện có thời hạn, hiệu lực quá ngắn chỉ trong khoảng 2 năm, nên các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tính toán hiệu quả đầu tư khi lập dự án. Việc chưa rõ cơ chế, chính sách áp dụng sau năm 2020 khiến các nhà đầu tư không an tâm đầu tư. Cơ chế mua bán điện hiện nay vẫn là cơ chế độc quyền do chưa vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
 
Hiện nay, doanh nghiệp NLTT khó tiếp cận nguồn vốn. Các ngân hàng cho vay với lãi suất cao 10 - 11,5%/năm làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án. Việc ngân hàng yêu cầu vốn tự có lên tới 30-40%, xuất phát từ hành lang pháp lý chưa rõ ràng khiến NLTT bị đánh giá là lĩnh vực rủi ro. Các tổ chức tín dụng nhìn chung chưa có nghiên cứu toàn diện và thấu đáo về lĩnh vực này. Việc vay vốn nước ngoài có lãi suất thấp hơn, nhưng không được nhà nước bảo lãnh nên không thể thực hiện.
 
Điện gió khó hơn điện mặt trời
 
Hiện nay, tỉ lệ phát triển của điện gió so với điện mặt trời thấp hơn và chưa đạt so với quy hoạch. Mặc dù, điện gió được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn điện mặt trời như ít thải ra môi trường hơn, số giờ phát điện cao hơn.
 
Một chuyên gia trong lĩnh vực NLTT cho biết, tỷ lệ các dự án NLTT đi vào vận hành chỉ đạt khoảng 32% đối với điện mặt trời và chỉ khoảng 3,8% đối với dự án điện gió trên tổng số dự án được bổ sung quy hoạch. Con số nói lên được thực trạng triển khai dự án NLTT trên thực tế không phải dễ dàng và hầu hết các dự án hiện nay chỉ nằm trên giấy. Nguy cơ xảy ra quy hoạch “treo” là hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời.
 
Gian nan điện gió khó điện mặt trời - ảnh 1
Trang trại điện gió tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Kim Thanh
 
Sở dĩ có sự chênh lệch lớn như vậy vì điện gió đầu tư xây dựng khó hơn, thời gian xây dựng lâu hơn điện mặt trời gấp trên nhiều lần và suất đầu tư cũng lớn hơn. Nếu như cùng một công suất, thời gian xây dựng dự án điện mặt trời mất khoảng 2 - 4 tháng tháng thì điện gió phải 12 tháng hoặc hơn nữa. Quá trình xây dựng các cột gió cũng phức tạp hơn do địa hình rải rác trong khi việc lắp đặt các tấm pin mặt trời tập trung hơn. Mặt khác, lại phải phụ thuộc vào nhà cung cấp vật tư của nước ngoài…  Đại diện nhà đầu tư điện gió HBRE chia sẻ, thời gian đầu tư, xây dựng và hoàn thành một dự án điện gió, trung bình khoảng 2 năm đối với điện gió trên bờ và từ 3 - 4 năm đối với điện gió ngoài khơi nếu không gặp phải trở ngại khách quan do dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì vậy, cần thiết phải kéo dài giá FIT theo Quyết định 39. Trong khi đó, giá bán của điện gió cũng được cho là chưa hấp dẫn.
 
Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, hiện nay, suất đầu tư điện mặt trời mặt đất khoảng từ 0,7 - 01 triệu USD/MWp. Suất đầu tư điện gió trên bờ khoảng từ 1,3 - 1,5 triệu USD/MW.
 
Giá bán điện mặt trời mặt đất giá bán điện tương đương 7,09 UScent/kWh, điện mặt trời nổi giá bán điện tương đương 7,69 UScent/kWh (áp dụng cho các dự án có chủ trương đầu tư trước 23/11/2019 và vận hành thương mại trước 2021). Điện mặt trời mái nhà giá bán điện tương đương 8,38 UScent/kWh (áp dụng cho các hệ thống vận hành trước 2021). Đối với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 01/ 01/ 2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW tương đương 9,35 UScent/kWh.
 
Điện gió trên bờ giá bán tương đương với 8,5 UScent/kWh, điện gió ngoài khơi giá bán điện tương đương 9,8 UScent/kWh.
 
Bán dự án cho nước ngoài - Ai chịu trách nhiệm?
 
Do sự phát triển ồ ạt, thiếu minh bạch trong quy trình nên đã xảy ra tình trạng đáng lo ngại, có thể ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Đó là, sau khi có dự án NLTT, một số nhà đầu tư trong nước đã bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
 
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn: "Một vấn đề khác, đang được đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước, đó là không ít dự án đầu tư vào lĩnh vực điện gió và mặt trời được cấp phép hoặc ngay khi vừa hoàn thành đã được chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi luật pháp có các quy định khác nhau đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong việc tiếp cận thị trường đối với các ngành nghề lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cũng như đối với các địa bàn, khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh".
 
Viện dẫn lại các sự việc điển hình về bán dự án cho nước ngoài, GS.TSKH. Nguyễn Mại cho biết: Tháng 3/2019 các cổ đông của VSP Bình Thuận II đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Công ty TNHH Đầu tư Vina Solar (99%) thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Trung Quốc và hai người Trung Quốc là Wang Zhao Feng (0,5%) và Yang Yong Zhi (0,5%).
 
Năm 2019, Reonyuan Power Singapore được thành lập tại Singapore, là công ty con của Ningbo Boway Alloy Material - một tập đoàn Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực vật liệu hợp kim, đã mua lại toàn bộ cổ phần trong HCG Tây Ninh và Hoàng Thái Gia, trở thành chủ sở hữu dự án quy mô 100MW, nắm trong tay khu đất 117ha tại biên giới với Campuchia.
 
Qua hai sự việc trên, GS. TSKH. Nguyễn Mại cảnh báo, an ninh quốc gia trong quá trình phát triển các dự án năng lượng, trong đó có NLTT cần được coi trọng khi lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài trong điều kiện tình hình chính trị thế giới đang diễn biến phức tạp và khó lường trước.  
 
Một chuyên gia cho biết thêm, tình trạng chạy dự án vào quy hoạch, lót tay, nhũng nhiễu, bôi trơn đang diễn ra trong lĩnh vực NLTT. Điều này làm xấu đi môi trường đầu tư của Việt Nam.
 
(Còn nữa)

Kim Thanh