Giới chuyên gia: Giá dầu sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới

Minh Trang 08:42 | 23/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường năng lượng sẽ chứng kiến nhiều đợt tăng và giảm đột biến khi thế giới đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiềm tàng.

Giá dầu đang trên đà leo dốc trở lại sau vài phiên “hụt hơi” trước đó. Dự kiến, thị trường năng lượng sẽ chứng kiến nhiều đợt tăng và giảm đột biến khi thế giới đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiềm tàng.

Đối với người tiêu dùng, điều đó có nghĩa là thời gian giá xăng đắt đỏ sẽ  kéo dài hơn - với giá tại các trạm bơm xăng ở Mỹ hiện ở mức trên 4 USD/gallon (3,78 lít). Còn đối với nền kinh tế, điều đó có nghĩa là lạm phát sẽ tăng cao hơn.

Bên cạnh tác động đối với người tiêu dùng, giá dầu cao sẽ còn ảnh hưởng toàn diện đối với bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động dựa vào xăng dầu, từ các hãng hàng không, xe tải, cho đến các công ty hóa chất và các nhà sản xuất nhựa.

Việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine diễn ra vào thời điểm giá dầu đang tăng cao do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu ngày càng tăng từ các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. Giờ đây, việc Nga bị hạn chế một lượng lớn dầu xuất khẩu, tương đương 5 triệu thùng/ngày, càng gây thêm áp lực lên giá “vàng đen”.

Helima Croft, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC, cho biết:  “Tôi vẫn nghiêng về kịch bản giá dầu sẽ tiếp tục đi lên, bởi tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc ngay lập tức”.

Giá dầu thế giới đã tăng hơn 7% vào ngày 21/3, khi các chính phủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét liệu có nên áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga vì cuộc xung đột với Ukraine hay không, trước thềm cuộc họp với Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề trừng phạt Nga trong tuần này.

Một cơ sơ khai thác dầu của Iran ở đảo Khark. (Ảnh: TTXVN)  

Mặt khác, một diễn biến đáng lo ngại khác là các hành động quân sự của lực lượng Houthi hồi cuối tuần trước đã gây ra sự sụt giảm sản lượng tạm thời tại một liên doanh lọc dầu của Saudi Aramco ở Yanbu. Sang ngày 21/3, Saudi Arabia cho biết họ sẽ không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu nào sau các hành động quân sự trên.

Ông John Kilduff, một đối tác của công ty quản lý đầu tư Again Capital LLC (Mỹ), cho biết một lệnh cấm vận kết hợp như vậy có thể là nền tảng cho những rắc rối trên quy mô toàn cầu về nguồn cung dầu. Trong khi đó, một số nhà phân tích lại cho rằng, giá dầu có thể đột ngột giảm sâu, đặc biệt nếu có một số giải pháp về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Daniel Pickering, Giám đốc đầu tư của Pickering Energy Partners, cho biết: “Trong thời gian gần đây biên độ dao động của giá dầu cứ mỗi hai tuần là rất rộng. Giá dầu đã tăng từ 90 USD/thùng đến 130 USD/thùng, sau đó lại hạ từ 125 USD/thùng về 95 USD/thùng và đó sẽ là kiểu biến động thường bắt gặp trong thời gian tới”.

Nguồn cung thắt chặt

Ông Pickering ước tính rằng, mỗi ngày có khoảng 2-3 triệu thùng dầu của Nga bị đóng băng trên thị trường mà không có người mua, cho dù Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục mua dầu thô của Nga. 

Ông Pickering không dự báo giá dầu quay trở lại 130 USD/thùng, nhưng cho biết thêm rằng khả năng đó có thể xảy ra. Kết thúc phiên 21/3, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4/2022 tăng 7,42 USD (7,09%), lên mức 112,12 USD/thùng.

Francisco Blanch, người đứng đầu mảng phân tích thị trường hàng hóa và phái sinh của ngân hàng Bank of America, lưu ý rằng tăng trưởng sản lượng hạn chế, trong khi nhu cầu lọc dầu và xuất khẩu mạnh đang khiến lượng dầu tồn kho tại trung tâm dự trữ Cushing, bang Oklahoma (Mỹ) trở nên khan hiếm hơn. 

Việc kho dự trữ dầu sụt giảm có thể làm cho thị trường dầu kỳ hạn biến động mạnh hơn, vì người nắm giữ hợp đồng kỳ hạn phải giao hàng thực tế khi hợp đồng hết hạn.

Vào tháng 4/2020, việc kho dự trữ dư thừa dầu và nhu cầu quá thấp đã dẫn tới giá dầu WTI của Mỹ rơi xuống mức âm do các nhà đầu tư buộc phải thanh lý hợp đồng của mình. Ông Blanch lưu ý rằng, điều ngược lại có thể khiến giá dầu tăng đột biến trong thời điểm hợp đồng dầu hết hạn, khi các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào.

Trong khi đó, theo ông Dan Yergin, Phó chủ tịch IHS Markit, viễn cảnh châu Âu đưa ra các lệnh trừng phạt hoặc cấm vận đối với dầu của Nga đang thực sự mở rộng và áp lực tăng đối với giá dầu sẽ lớn hơn trong tuần này. 

Tuy nhiên, ông Yergin lưu ý, việc cấm vận cần phải được thực hiện một cách cẩn thận và có sự tham vấn kỹ lưỡng của ngành công nghiệp dầu mỏ để giảm thiểu sự gián đoạn nguồn cung.

Dù vậy, bà Croft vẫn bày tỏ sự hoài nghi việc châu Âu sẽ cấm vận dầu mỏ của Nga, bởi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nga đối với cả dầu mỏ và khí đốt. Bà Croft nói: “Tôi nghĩ Đức sẽ ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của EU nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với mảng năng lượng của Nga, vì vậy huyết mạch kinh tế được cung cấp cho Nga bằng việc bán dầu và khí đốt sẽ vẫn tồn tại”.

Cuối tuần qua, các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia đã lực lượng Houthi tấn công. Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái đã nhắm vào một nhà máy khử muối trong nước, một nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), một nhà máy điện và một cơ sở sản xuất khí đốt của Saudi Arabia. 

Nguồn cung dầu mỏ đang bị thắt chặt. (Ảnh minh họa: Reuters)  

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết nước này không chịu trách nhiệm nếu xảy ra gián đoạn với hoạt động xuất khẩu dầu, cho dù tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco khẳng định tình hình này không có tác động đến nguồn cung dầu của quốc gia Hồi giáo này.

John Kilduff, đối tác của công ty tư vấn đầu tư Again Capital, lưu ý rằng, mối quan hệ của Saudi Arabia với Mỹ đã trở nên căng thẳng hơn dưới thời chính quyền Biden, việc nước này từ chối bổ sung nguồn cung dầu đang làm trầm trọng thêm vấn đề giá cả đối với người tiêu dùng toàn cầu.

Các lựa chọn thay thế

Saudi Arabia là thành viên hàng đầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+. Liên minh này đã nhất trí tăng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày cho đến tháng 6/2022, và tại cuộc họp gần đây nhất, OPEC+ không đưa ra tín hiệu nào cho thấy họ đang cân nhắc bơm thêm dầu ra thị trường.

Hai nước OPEC có khả năng gia tăng sản lượng ngay là Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), nhưng đến nay họ vẫn từ chối các lời kêu gọi gia tăng sản lượng nhanh hơn để giúp hạ nhiệt giá dầu từ các nước tiêu thụ dầu lớn.

Ông Pickering cho biết: “Nếu OPEC không tăng sản lượng, nguồn cung dầu sẽ thắt chặt hơn. Có thể sản lượng dầu của OPEC rồi sẽ tăng cao hơn, nhưng không theo tốc độ mà châu Âu và Mỹ mong muốn".

Mỹ đang tìm kiếm các nguồn cung cấp năng lượng khác, bao gồm cả Venezuela, quốc gia đang bị Mỹ trừng phạt.

Thị trường đã mong đợi một thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ cho phép nước này “bù đắp” hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày cho thị trường. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán nay đang “sa lầy” trong những tuần gần đây.

Các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ cũng có thể mở rộng sản lượng, nhưng đóng góp bổ sung của họ dự kiến sẽ không lớn hơn nhiều so với mức 900.000-1,1 triệu thùng/ngày như mong đợi trong năm nay, nhất là khi Mỹ đang xem xét khả năng áp thuế lợi nhuận đột biến đối với các "đại gia" dầu mỏ.

Ông Pickering cho biết. “Chúng ta cần xem liệu chính phủ có cung cấp bất kỳ củ cà rốt nào để cải thiện nguồn cung dầu hay không. Chắc chắn họ đã đưa ra cây gậy, nhưng tôi không nghĩ rằng cây gậy đó có tác dụng”.