Giới chuyên gia ủng hộ đề xuất DN tư nhân tham gia xây dựng đường sắt đô thị
Trao đổi tại hội thảo "Kinh tế vĩ mô quý I/2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách mới" ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) sáng ngày 11/4, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã đưa ra ý kiến ủng hộ kiến nghị cho tập đoàn T&T và Vingroup được tự đứng ra đầu tư làm 2 tuyến đường sắt đô thị. Hà Nội nói không với vay vốn ODA, vốn trái phiếu hay kêu gọi vốn của Chính phủ.
"Tôi rất mừng vì tư duy này mới, bởi dù sao các dự án sử dụng vốn ODA hiện nay tính ra rất đắt đỏ, khi hoàn thiện xong công trình, các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà thầu và thiết bị Việt Nam không học hỏi được gì và cũng chẳng được gì cả. Bởi nhiều dự án ODA hiện nay chúng ta phải vay lãi suất cao, các thầu chính và thầu phụ đều là nước ngoài", GS Nguyễn Mại phát biểu tại buổi hội thảo.
Ngoài tư duy không dựa vốn ngân sách và ODA, Hà Nội cũng đang có kế hoạch tự tiết kiệm chi tiêu, cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Thành phố và đặc biệt bán các trụ sở cũ để lấy tiền đổi trả doanh nghiệp xây hạ tầng. Số tiền ước tính khoảng 1 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhiệt tình ủng hộ quan điểm tự lực và thay đổi về tư duy của chính quyền TP. Hà Nội. Bà Lan cho rằng, khi ngân sách khó khăn, vốn tài trợ thay đổi thì cần dựa vào doanh nghiệp tư nhân trong nước. Họ (các doanh nghiệp tư nhân) có làm được không? Chắc chắn họ sẽ làm được nếu trao cho họ cơ hội, có cơ chế.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất cho hai doanh nghiệp trên tự bỏ kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 3 tuyến đường sắt đô thị Thành phố ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025.
Theo UBND thành phố Hà Nội, từ giữa năm 2016, sau khi công khai quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đầu tư.
Có 5 nhà đầu tư trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư các dự án đường sắt đô thị, gồm Vingroup, Xuân Thành, Lũng Lô 5, Tân Hoàng Minh, Mosmetrotroy (Nga), liên danh Licogi - MIK, Lotte (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, đến nay chỉ có Vingroup và T&T đăng ký xin triển khai thủ tục đề xuất dự án. Cả hai nhà đầu tư này đều đề xuất đầu tư dự án theo hình thức BT.
Cụ thể, Vingroup đề xuất hai đoạn tuyến: tuyến số 5 (đoạn Văn Cao - Hòa Lạc) dài 38,4 km và tuyến số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) dài 5,9 km.
Còn T&T đề xuất đoạn tuyến số 4 (Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà, dài 54 km).
Cả hai nhà đầu tư này đều cam kết khi được giao nghiên cứu đề xuất dự án sẽ tự nguyện ứng vốn để triển khai; không yêu cầu được bồi hoàn lại kinh phí và sẵn sàng bàn giao lại toàn bộ hồ sơ, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án cho UBND thành phố Hà Nội và đơn vị được lựa chọn để tiếp tục triển khai đầu tư.
Trường hợp được lựa chọn là nhà đầu tư chính thức, họ được hạch toán chi phí vào chi phí của dự án.