Gỡ nút thắt quy hoạch, Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản

Thu Hằng 14:06 | 23/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
"Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản" là chủ đề chính của hội thảo do Báo Tiền phong phối hợp với Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng tổ chức tại địa phương này vào ngày 23/4.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chia sẻ, Hải Phòng là một đô thị sớm hình thành gắn liền với sự phát triển của cảng biển, ngành công nghiệp. Với hai điều kiện đó, cư dân của các địa phương khác có sự dịch chuyển về Hải Phòng để sản xuất kinh doanh, làm việc tại các nhà máy, các khu công nghiệp. Hải Phòng có mật độ dân số cao hơn một số địa phương khác.

Từ năm 2015 đến nay, GRDP của Hải Phòng tăng 14-15%/năm. Thu ngân sách tăng trưởng đột biến so với các năm trước; trong đó, thu nội địa hơn 30.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên 60.000 tỷ đồng. Từ đó, thành phố có điều kiện đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cầu đường… đặc biệt khu vực nội đô. Cùng với đó, thành phố cũng kết hợp với các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương để xây dựng nhiều cây cầu vượt sông; tạo sự liên kết vùng kinh tế, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đến làm việc.

Hải Phòng là địa phương có nhiều khu công nghiệp, hiện nay, riêng FDI thu hút đạt hơn 23 tỷ USD. Thành phố thu hút hơn 500.000 công nhân là người dân các tỉnh lân cận dịch chuyển đến làm việc. Chính vì vậy, nhu cầu nhà ở, phát triển đô thị ở Hải Phòng những năm qua tăng cao và đặc biệt trong những năm tới.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, hiện có nhiều nhà đầu tư lớn đến Hải Phòng xây dựng các khu đô thị chất lượng cao như khu đô thị ven sông Lạch Tray, ven sông Cấm… Tuy nhiên, các khu chung cư tại Hải Phòng còn chậm phát triển. Tính đến hết năm 2021, Hải Phòng có tổng diện tích sàn nhà ở đạt 54.000 triệu m2, bình quân 26m2/người. Những năm tới, cơ hội đầu tư vào bất động sản thành phố còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu và Hải Phòng sẵn sàng chào đón nhà đầu tư.

Thành phố Hải Phòng xác định phát triển theo 3 hướng. Phía Bắc phát triển đô thị Bắc Sông Cấm; phía Nam phát triển khu vực xung quanh hai bên sông Lạch Tray và phát triển quận Dương Kinh, Đồ Sơn; phía Đông phát triển khu vực huyện Cát Hải, quận Hải An. Thành phố đang tập trung nhà đầu tư xây dựng các nhà ở xã hội gần các khu công nghiệp, phục vụ công nhân, lao động tại các nhà máy, khu, cụm công nghiệp.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận xét, thời gian qua, Hải Phòng chú trọng đến đầu tư công nghiệp, nhà ở, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản; trong đó có phân khúc nghỉ dưỡng, bất động sản khu công nghiệp. Điều này góp phần làm diện mạo thành phố ngày một thay đổi, nhiều khu đô thị đã được đầu tư bài bản, đồng bộ, tạo nên nét văn hoá mới về văn hoá sống, chất lượng sống, không gian sống cho người dân. Hải Phòng cũng là địa phương đi đầu trong cải tạo khu chung cư cũ, đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân gắn với chỉnh trang đô thị…

Với khoảng 2 triệu dân, 15 khu công nghiệp, 200 nghìn công nhân, nhu cầu nhà ở tại địa phương rất lớn. Đáng lưu ý, Chính phủ đã vừa ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình với gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng cùng nhiều chính sách nhân văn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với an sinh xã hội; trong đó có lĩnh vực nhà ở, bất động sản, đặc biệt mức vay ưu đãi cho nhà đầu tư với lãi suất chỉ 2%, quy mô 40 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho vay mua nhà giá rẻ với lãi suất 4,8%.

Để "gỡ nút thắt" về quy hoạch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, đầu tiên, Hải Phòng phải làm tốt khâu lập quy hoạch về xây dựng, đất đai và các quy hoạch khác. Sau giai đoạn phát triển, đến nay nhiều điểm quy hoạch của Hải Phòng cần điều chỉnh để tiếp tục thu hút đầu tư, tạo ra sự phát triển mới. Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm, công khai quy hoạch, danh mục tiến độ triển khai các dự án, tránh hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ đẩy giá trục lợi bất hợp pháp như ở một số địa phương vừa qua. Ngoài ra, thành phố cần kiểm soát tốt tình hình bất động sản để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Dưới góc độ chuyên gia, Tiến sỹ Trần Đình Thiên nhận xét, Hải Phòng đã làm quy hoạch phát triển tổng thể, đây là việc quan trọng giúp định hình chân dung phát triển mới. Tuy nhiên hiện nay vẫn đang xin ý kiến từ cấp trên chấp thuận.

Có 3 nhóm vấn đề đặt ra cho Hải Phòng là phải nhận diện được thế và lực, thực lực để tiếp tục phát triển; định hướng phát triển cho Hải Phòng như là 1 tọa độ phát triển quốc gia; cách tiếp cận tầm vĩ mô.

Theo ông Thiên, Hải Phòng có riêng Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển thành phố, đây là Nghị quyết rất đặc biệt, một trong những "bảo bối" để nhận diện tiềm năng của Hải Phòng. Các địa phương muốn làm cơ chế đặc thù phải tham khảo. Nghị quyết cũng xác định tầm vóc của Hải Phòng, đánh giá tích cực tiềm năng phát triển của địa phương. Điểm hạn chế cần lưu ý hiện nay là chất đô thị hiện đại của Hải Phòng chưa thực sự thể hiện rõ, thiếu trường đại học, bệnh viện... để trở thành trung tâm hàng đầu của khu vực để dẫn dắt kinh tế. Do đó, Hải Phòng cần đầu tư để nâng tầm đẳng cấp quốc tế.

Đại diện doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land) Nguyễn Thành Hưng cho rằng, Hải Phòng trong 5 năm vừa qua thực sự bùng nổ tại thị trường duyên hải, là một trong số ít những thị trường tạo được đột phá. Mặc dù hơi muộn nhưng Hải Phòng khi đã thức dậy đã bùng nổ rất lớn mạnh, nhiều dự án bất động sản được triển khai theo hướng cân đối về công nghiệp, dịch vụ nghỉ dưỡng, nhà ở.

Mặc dù quy hoạch của Hải Phòng được công bố nhiều lần và nhiều lần điều chỉnh nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn bất cập, đặc biệt là sự chồng chéo giữa luật; trong đó có Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư khiến tiến độ triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn. Sự phát triển của Hải Phòng thời gian qua thiên về công nghiệp và dịch vụ nên dân số có sự thay đổi lớn và phần lớn người dân đến Hải Phòng làm việc là lực lượng lao động, nên nhu cầu về bất động sản nhà ở sẽ đi theo hướng là nhà ở xã hội.

Bất động sản cao cấp như nghỉ dưỡng, nhà ở hạng sang còn khá ít và chưa đạt được tầm như "láng giếng" Quảng Ninh. Trong khi đó, phân khúc này tạo ra giá trị rất lớn cho ngành bất động sản, giá trị điền tức (đất đai) rất là cao. Ông Hưng bày tỏ, quy hoạch của Hải Phòng cần tiếp cận được với quy hoạch của thành phố hiện đại, có thể học hỏi kinh nghiệm và tham khảo của các nước trong khu vực hoặc một số địa phương trong nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Ninh Thuận...

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng 2 nút thắt lớn nhất đối với thị trường bất động sản là chính sách và quy hoạch. Về chính sách, đối với Luật Đất đai trong năm 2021, 2022 Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai.

Quốc hội cũng đã cho phép cơ chế thí điểm tại một số địa phương; trong đó có Hải Phòng. Cùng đó, Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha và Hải Phòng được chọn thí điểm. Chính sách này được kỳ vọng là động lực, cơ sở, căn cứ pháp lý để Hải Phòng tiếp tục bứt phá ngay trong năm 2022 và những năm tiếp theo.