GS Đặng Hùng Võ: Bốn điểm bất cập của Luật đất đai làm méo mó thị trường bất động sản
"Cơ hội phát triển của Việt Nam khá lớn nhưng đất đai cứ bị ách tắc với những quy định cũ", GS Đặng Hùng Võ chỉ ra 4 điểm bất cập của Luật đất đai cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản.
Trong khuôn khổ Tọa đàm Bất động sản Mùa Xuân lần thứ I do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tạp chí điện tử Reatimes và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) tổ chức sáng 26/3, các chuyên gia tiếp tục thảo luận về những rào cản pháp lý cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản.
Các chuyên gia tham gia Tọa đàm Bất động sản Mùa Xuân lần thứ I sáng 26/3
Bàn về việc tháo gỡ thủ tục hành chính và kiến nghị sửa Luật Đất đai để giải nút thắt cho thị trường bất động sản, theo ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ngành xây dựng cũng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng may mắn là không chịu tác động lớn như các ngành bất động sản, du lịch.
Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Trong năm 2020, đóng góp của doanh nghiệp xây dựng với GDP của đất nước là rất lớn. Điều đó là nhờ dư địa của các doanh nghiệp từ nhiều năm trước, cùng với đó là đầu tư công của Nhà nước đã thúc đẩy hoạt động xây dựng.
Để các ngành có thể phát triển bền vững trong thời gian tới, ông Dũng đề xuất cần tiếp tục xây dựng “Chính phủ kiến tạo”, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính để doanh nghiệp bất động sản có thể hoạt động thuận lợi thì doanh nghiệp xây dựng cũng mới có thể hoạt động thuận lợi. Cuối cùng là những chồng chéo của pháp luật cần tháo gỡ đồng thời giải quyết các khó khăn của các mô hình bất động sản điển hình là condotel.
"Trong năm 2021, nếu tháo gỡ được những khó khăn trên thì ngành xây dựng, bất động sản sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển", Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến hành lang pháp lý, TS Cấn Văn Lực đặt câu hỏi tới GS. TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường rằng, đối với Luật Đất đai và những vấn đề liên quan đến đất đai thì cần những tháo gỡ gì trong thời gian tới?
Theo GS Đặng Hùng Võ, từ năm 2016 - 2020, Chính phủ đã chỉ thị 4 lần về sửa đổi Luật Đất đai. Tuy nhiên từ 2016 đến nay, Luật Đất đai vẫn chưa được sửa, và có thể đến 2023 mới có thể thực hiện sửa.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Hiện nay Luật còn rất nhiều bất cập lớn, cản trở phát triển kinh tế. Cơ hội phát triển của Việt Nam khá lớn nhưng đất đai cứ bị ách tắc với những quy định cũ. GS Đặng Hùng Võ chỉ ra 4 điểm trong Luật đất đai:
Một là đất nông nghiệp, hiện nay vẫn chưa thực hiện tích tụ, tập trung đất đai có hiệu quả. "Đây là câu chuyện phức tạp và cần có thay đổi. Hiện nay, chuyển nhượng đất đai tại nông thôn gần như không làm thủ tục mà giấy tay là chính", GS Đặng Hùng Võ nói.
Vấn đề thứ hai là phát triển nhà ở. GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh việc Hà Nội và TP.HCM là hai thị trường lớn nhất mà giai đoạn 2019 - 2020, mỗi năm chỉ phê duyệt được vài dự án. Đến tận gần đây, Chính phủ mới có Nghị định 148 gỡ vướng cho các dự án.
Vấn đề thứ 3 là ách tắc đối với các dự án bất động sản du lịch. Luật Đất đai hiện hành chưa có dòng nào về loại hình này.
Vấn đề thứ 4 là người nước ngoài mua đất tại Việt Nam. "Làm sao chúng ta ngăn chặn được những hiện tượng mua chui số lượng lớn như báo chí truyền thông đã đưa tin? Điều quan trọng là những bất cập này tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và nó làm méo mó thị trường", ông nhấn mạnh.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng sốt đất xảy ra một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền. Các quốc gia trên thế giới họ dùng hình thức phân lô bán nền chỉ để giải quyết nhà ở ở đô thị, không đưa vào thương mại. Đưa đất nền vào thương mại là điều rất tối kỵ.
Về nguyên tắc, thị trường bất động sản phải khai thác giá trị đầu tư trên đất chứ không phải chờ tăng giá đất để gặt hái lợi nhuận. Đầu tư bỏ tiền vào bất động sản để tăng giá bán đi là một hành động làm hại nền kinh tế.
Hà Ly