Hà Nội: Bảo đảm đủ và phân phối hàng hóa linh hoạt trong bão dịch
Bảo đảm nguồn cung hàng hóa
Thông tin về công tác cung ứng hàng hóa cho người dân, quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan đánh giá, qua 2 đợt giãn cách, Hà Nội luôn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.
Trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ này, Hà Nội luôn chủ động, sáng tạo và quyết liệt. Thành phố đã ban hành kế hoạch về đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hóa để đảm bảo hàng hóa được cung ứng ổn định trong mọi tình huống. Thành phố cũng quyết định trưng tập 5 địa điểm ở ngoại thành để giãn cách cho các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối của Thành phố. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khâu vận chuyển; đã cấp mã nhận diện cho 2.200 ô tô và trên 9 nghìn xe máy vận chuyển hàng hóa. Trên 14 nghìn shipper cũng được cấp mã.
Quang cảnh cuộc họp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Quyền Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá, tăng gấp 7 lần so với thời điểm Hà Nội triển khai các chương trình bình ổn hàng năm. Đồng thời, mở thêm hơn 472 điểm bán hàng thiết yếu của bưu điện, 800 điểm của VNPost và 81 điểm của ViettelPost. Các quận, huyện cũng triển khai nhiều hình thức bán hàng lưu động, hiện nay, có 9 địa phương triển khai với nhiều hình thức rất phong phú, đa dạng.
Để cung ứng hàng hóa đa dạng, Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai bán hàng cho các khu nhà trọ, đông dân cư để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”, công nhân không phải đi chợ dọc đường, tiềm ẩn nguy cơ lây dịch bệnh. Đáng chú ý, Hà Nội đang triển khai bán hàng bằng xe buýt lưu động, hiện đã có 14 doanh nghiệp đăng ký và trong trường hợp cấp bách sẽ triển khai tiếp.
Sở Công thương cũng phối hợp, hỗ trợ người lao động hiện đang bị mất việc làm có thể tham gia vào chuỗi cung ứng để vừa có thêm thu nhập, vừa cung ứng nguồn nhân lực phục vụ việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Ngoài ra, Sở cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả. Khi tiếp nhận thông tin chợ nào có hiện tượng tăng giá thì sẽ phối hợp để kiểm tra ngay.
Cùng với công tác chủ động chuẩn bị, cung ứng hàng hóa đầy đủ và làm tốt công tác tuyên truyền nên sau 2 đợt giãn cách, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng, mọi hoạt động mua sắm hàng hóa đều diễn ra bình thường. “Hy vọng với tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt của Thành phố, dù có triển khai các giải pháp nào, biện pháp nào thì Thành phố vẫn đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa cho người dân trên địa bàn Thành phố. Người dân hoàn toàn yên tâm, không phải mua sắm tích trữ”, Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc
Trước đó, tối 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về công tác phòng chống dịch COVID-19, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, để thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16 tại TP Hồ Chí Minh, để 312 xã phường tại Thành phố thực sự là 312 pháo đài phòng chống dịch cần phải thực hiện bằng được các nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, thực hiện cách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường. Nếu thiếu lực lượng bảo đảm thì công an, quân đội sẽ đáp ứng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với TP Hồ Chí Minh triển khai nhiệm vụ này. Huy động Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các lực lượng cựu chiến binh, thanh niên, công đoàn, phụ nữ, hội nông dân… các cấp tham gia động viên, giải thích, tuyên truyền, hỗ trợ người dân để thực hiện cách ly nghiêm ngặt. Cách ly là để lo cho dân, vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Thứ hai, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời hết sức uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thứ ba là về bảo đảm về y tế. Tăng cường năng lực y tế cho cấp xã phường về ô xy y tế, trang thiết bị, vật tư, y tá, bác sĩ, điều dưỡng…, bổ sung ngay cho những xã, phường còn thiếu để điều trị cho người bệnh ngay tại xã, phường. Chuẩn bị sẵn sàng các xe cấp cứu, trung tâm cấp cứu tại từng quận, huyện để đáp ứng khi cần. Như vậy, có ba tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19: tại xã phường, tại quận huyện và Thành phố, trong đó tuyến trên chủ yếu lo cho những trường hợp nặng. Tiếp tục thí điểm điều trị tại nhà các F0 không có triệu chứng và tiếp tục nghiên cứu nhiều biện pháp phù hợp khác như điều trị tại bất cứ nơi nào tốt nhất, có không gian thoáng mát, kết hợp đông y và tây y, tăng cường hướng dẫn điều trị qua các phương tiện thông tin đại chúng… Giảm tối đa các trường hợp tử vong. Bộ Y tế phải hướng dẫn về các nội dung này.
Thứ tư, tăng cường lực lượng công an để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giải thích để người dân hiểu rõ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân, “chúng ta làm gì cũng vì lợi ích của nhân dân”.
Thứ năm, về an sinh xã hội, TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, tiếp tục thường xuyên bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ; lực lượng công an cơ sở tăng cường nắm tình hình để cùng các lực lượng cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho những người vô gia cư, lang thang…
Thứ sáu, tổ chức xét nghiệm “thần tốc” theo hướng dẫn của Bộ Y tế với các hình thức phù hợp, kể cả đến tận nhà xét nghiệm, phát hiện F0 nhanh nhất, tuyệt đối không bỏ sót, phân loại điều trị ngay, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Bộ Y tế chủ trì thực hiện nhiệm vụ này.
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, tính toán khả năng di dời một bộ phận người dân ra khỏi một số địa điểm để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực như kinh nghiệm đã được thực hiện tại một số tỉnh phía Bắc, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này.
Linh hoạt đa dạng trong công tác phân phối hàng hóa
Theo báo Kinh tế & Đô thị cho biết để đảm bảo được nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, các doanh nghiệp đã tăng lượng dự trữ hàng hóa (nhiều hệ thống đã tăng lên trên 50% so với ngày bình thường). Các hình thức kinh doanh cũng được đổi mới theo hướng tăng cường bán online, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7.....
Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội đang thực hiện theo 2 hướng: Thứ nhất rà soát lại các vùng trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố để cơ cấu tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi, trong đó chú trọng mặt hàng rau ăn lá, củ, quả, trứng gia cầm,…phù hợp nhu cầu tiêu dùng người dân trong phòng chống dịch nhằm đảm bảo nguồn tự cung cao nhất cho Hà Nội.
Các siêu thị bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ người dân trong thời gian giãn cách.
Thứ hai tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố cung cấp hàng hóa cho Hà Nội qua các kênh phân phối nhằm cân đối cung cầu, đảm bảo đủ nhu cầu phục vụ nhân dân trên địa bàn. Hiện Sở Công Thương Hà Nội đã rà soát nguồn hàng tại 21 tỉnh phía Bắc trong Ban điều phối chuỗi cung ứng rau, thịt, thực phẩm an toàn cho TP Hà Nội; Tập trung khai thác nguồn hàng gần 800 chuỗi, các doanh nghiệp chế biến lớn, các doanh nghiệp, hộ sản xuất các sản phẩm OCOOP, các HTX …Không dừng ở đó, thời gian tới Sở Công Thương Hà Nội sẽ mở rộng khai thác nguồn hàng tại các tỉnh khác để đảm bảo nguồn hàng thay thế nếu những tỉnh phía Bắc xuất hiện COVID-19.
Việc TP Hà Nội và các doanh nghiệp đa dạng nguồn hàng thông qua kết nối với các tỉnh thành đã đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng Thủ đô mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm dừng hoạt động. “ Trong 2 ngày đầu thực hiện giãn cách sức mua tăng bình quân tại các hệ thống phân phối khoảng 30% so với ngày bình thường, nhờ có có sự chuẩn bị sẵn sàng về hàng hóa, nhân lực, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ, tăng giá của các lực lượng chức năng hiện hoạt động mua sắm trở lại bình thường, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân dân”- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định.
Bên cạnh đó, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng phương án huy động và điều động phương tiện phục vụ vận chuyển lưu thông hàng hóa, kịp thời để chỉ đạo các lực lượng chức năng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông, đến nay hàng hóa của các doanh nghiệp được lưu thông bình thường. Tính đến ngày, 3-8, Sở Giao thông vận tải đã cấp mã QR code đăng ký “Luồng xanh ” cho 1443 xe ô tô (trong lĩnh vực Công Thương); cấp mã xác nhận cho 4.351 xe mô tô hai bánh phục vụ giao nhận, vận chuyển cho các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Nguyễn Triệu