Hà Nội loay hoay thủ tục, trường đua ngựa 10.000 tỷ ở Sóc Sơn thành trò đùa
Dự án trường đua ngựa Sóc Sơn có diện tích rộng khoảng 125ha, tổng vốn đầu tư lên đến 9.576 tỷ đồng, tương đương 420 triệu USD. Hai doanh nghiệp thúc đẩy dự án này là Tổng Công ty Du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd (Hàn Quốc).
Ban đầu, dự án Trường đua ngựa Sóc Sơn dự kiến được đầu tư theo 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 dự kiến tiến hành từ đầu năm 2018 và hoàn thành trong nửa cuối năm 2019, bao gồm triển khai các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 2 dự kiến khởi công trong cuối năm 2019 và hoàn tất đầu năm 2024, bao gồm triển khai xây dựng tất cả hạng mục dự án trường đua ngựa quy mô 30.000 khán giả.
Khi vận hành, dự án sẽ tạo ra khoảng 5.000 việc làm trực tiếp, và khoảng 20.000 - 25.000 công việc tại các công trình, hoạt động liên quan như xây dựng khu vui chơi, công viên mua sắm.
Về dài hạn, trường đua ngựa Sóc Sơn được định hướng sẽ trở thành một sản phẩm du lịch mới, một sân chơi mới thuộc lĩnh vực thể thao và văn hóa cho người dân trong nước và du khách quốc tế khi tới Hà Nội.
Tuy nhiên, do các vấn đề về thủ tục, dự án được Thủ tướng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 10/2019, chậm một năm so với dự kiến. Do vậy, chủ đầu tư dự kiến khởi công dự án vào tháng 10/2020.
Đến nay, việc giải phóng mặt bằng chưa được hoàn tất, dự án vẫn chưa khởi công. Hiện dự án vẫn còn là bãi đất trống bởi vướng mắc với loạt vấn đề về thủ tục pháp lý khác nhau liên quan tới: Điều kiện giao đất, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn.
Theo UBND Thành phố Hà Nội, căn cứ quy định của Luật đất đai và các quy định liên quan, khu vực dự án gồm hai phần có chức năng công cộng và chức năng kinh doanh, nên không thuộc trường hợp (được) nhà nước thu hồi đất.
Do đó, nhà đầu tư buộc phải tiến hành mua đất để có thể tiến hành khởi động dự án. Nhưng ngay trong nỗ lực này, theo quy định, nhà đầu tư (gồm cả phía nước ngoài) cũng không có quyền mua đất nông nghiệp trực tiếp từ hộ gia đình, các nhân, mà chỉ được phép nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ tổ chức kinh tế trong nước.
Khu đất được dự kiến sẽ xây trường đua ngựa. (Ảnh: Dongbachanoi.com)
Giải quyết vướng mắc về quy định này, đối tác đến từ Hàn Quốc có thể góp vốn thay, để Tổng Công ty Du lịch Hà Nội - một thành viên trong liên doanh - có thể đứng ra thực hiện các thủ tục liên quan tới đất và giải phóng mặt bằng cho dự án. Nhưng, việc góp vốn thay lại không nằm trong Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, và cũng chưa quy định trong pháp luật hiện hành.
Hiện, UBND thành phố Hà Nội cho biết đang tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan căn cứ vào các quy định của pháp luật để rà soát, tìm kiếm phương án giải quyết, chỉ ra những tồn tại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo tháo gỡ.
Bên cạnh đó, dự án cũng cần được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, dường như thành phố Hà Nội quá tự tin vào hiểu biết pháp luật của mình, mà không cần tham khảo thêm các mô hình gặp vướng mắc tương tự, nhưng đã giải quyết thành công, ở những địa phương khác.
Kết quả sự thiếu tham khảo này là một tình thế oái oăm, hệt như trò đùa cơ chế. Đó là cấp chứng nhận đầu tư nhưng lại không thể triển khai được dự án, vì lý do được cho là... vướng cơ chế. Trong khi đó, dựa trên đề nghị của chủ đầu tư và của Hà Nội, thì thủ tướng lại không "vướng cơ chế" khi cấp chứng nhận đầu tư cho dự án này.
Một mẫu hình Hà Nội có thể tham khảo và học tập là tại dự án Aeon Mall Hải Phòng, những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đã giải quyết chóng vánh bằng việc một doanh nghiệp tư nhân "bé xíu" đăng ký hoạt động tại thành phố ký hợp đồng với chủ đầu tư, và tự bỏ tiền (bằng tiền ứng trước của Aeon Mall) để giải phóng mặt bằng.
Doanh nghiệp này sau đó đứng ra khởi công dự án, đứng làm chủ đầu tư trong suốt quá trình xây dựng trung tâm thương mại Aeon Mall Hải Phòng. Sau đó bàn giao lại cho chủ đầu tư thực sự là Aeon Mall Việt Nam.
Nói cách khác, trong một số trường hợp cụ thể, phần việc mà doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài không thể thực hiện được ở Việt Nam, thì pháp luật không cấm các doanh nghiệp nội địa thực hiện. Và nếu dự án hướng tới mục đích tốt đẹp vì cộng đồng, không ảnh hưởng an ninh quốc phòng, được chính quyền ủng hộ, thì không có lý do gì dự án ấy lại không nhận được hướng dẫn để vượt qua khó khăn về cơ chế.
Cần nhấn mạnh, dự án ở Sóc Sơn chỉ là một trong nhiều trường đua ngựa khác ở Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Phú Yên,… vẫn đang bế tắc. Dù năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược, đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế. Sau đó Quốc hội đã thông qua Luật Thể dục, thể thao sửa đổi, trong đó có bổ sung quy định về đặt cược thể thao.
H.S
Xem thêm: Chuyện lạ: Cao tốc trọng điểm Phan Thiết - Dầu Giây chậm tiến độ vì... thiếu đất