Hà Nội sẽ đấu thầu chọn đơn vị thực hiện khu đô thị mới hơn 1.423 tỷ đồng

Đông Bắc 08:13 | 11/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hà Nội đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện Khu đô thị mới Liên Ninh, xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) với tổng vốn dự kiến hơn 1.423 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất khoảng 27,7 ha.

Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội vừa báo cáo, trình Thường trực Thành ủy xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư Khu đô thị mới Liên Ninh, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thực hiện theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Dự án do UBND huyện Thanh Trì đề xuất có vốn đầu tư dự kiến 1.423,4 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất khoảng 27,7ha, quy mô dân số khoảng 4.500 người, tiến độ thực hiện từ năm 2022, dự kiến hoàn thành trong quý 1/2026.

Mục tiêu của dự án là xây dựng khu đô thị mới phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết được phê duyệt, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần tạo diện mạo đô thị mới cho huyện Thanh Trì. Ngoài ra còn nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất, phát triển và đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhân dân trên địa bàn.

 Hà Nội đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện khu đô thị mới tại huyện Thanh Trì. Ảnh KHĐT.

Các công trình do nhà đầu tư thực hiện gồm: đầu tư, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt; công trình cây xanh khu ở; công trình giao thông; bãi đỗ xe; trường mầm non; 197 căn nhà ở biệt thự; 76 căn nhà ở liền kề; nhà ở xã hội có tầng cao tối đa là 30 tầng…

Nhà đầu tư tham gia đấu thầu phải là tổ chức thuộc nhóm đối tượng được Nhà nước giao đất theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 55 Luật Đất đai 2013; có đủ các điều kiện để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật khác có liên quan.

UBND TP Hà Nội cho biết dự án Khu đô thị mới Liên Ninh thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Đầu tư trước khi tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

Qua xem xét, Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương dự án do UBND huyện Thanh Trì đề xuất đã cơ bản phù hợp với quy định của Luật Đầu tư; các Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021, sổ 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/4/2021.

Sau khi được cập nhật, bổ sung trong Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phát triển nhà ở Hà Nội giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2040, dự án đủ điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 108 Nghị định số 31/2021 /NĐ-CP ngày 26/3/2021).

Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội đã họp và có Thông báo số 550- TB/BCSĐ ngày 1/7/2022 thống nhất về chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Liên Ninh.

Hà Nội cần 880.000 tỷ đồng xây 89 triệu m2 nhà ở

UBND TP  Hà Nội cũng vừa có Quyết định số 3627 phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030.

Việc phát triển nhà ở của TP Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2030 gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ, quản lý theo quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm; phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững.

Hà Nội sẽ phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên sông Hồng và sông Đuống...

Bên cạnh  phát triển nhà ở bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả, Hà Nội cũng chú trọng phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở...

 Hà Nội triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D. Ảnh MH.

Dự báo nhu cầu tổng thể nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn TP Hà Nội là 89 triệu m2 sàn.

Trong đó, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 44 triệu m2 sàn; giai đoạn 2026 - 2030 là 45 triệu m2 sàn.

Hà Nội dự báo nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng.

Đến năm 2025, TP Hà Nội phấn đấu diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29,5 m2/người; phát triển mới 22,5 triệu m2 sàn nhà ở riêng lẻ; khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; khoảng 0,565 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư; 19,69 triệu m2 sàn nhà ở thương mại.

Triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ  có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp), các khu chung cư, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại có phát sinh trong quá trình kiểm định và các khu chung cư, nhà chung cư khác có tính khả thi, đủ điều kiện để triển khai theo quy định.

Đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 32 m2/người; phát triển mới khoảng 22,5 triệu m2 sàn nhà ở riêng lẻ; 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; 1,3 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư; 15,19 triệu m2 sàn nhà ở thương mại.

Triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ (6 khu có tính khả thi cao: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và hoàn thành 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D)...