Hà Nội siết chặt hoạt động đấu giá đất
Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị liên quan khẩn trương triển khai, hoàn thành việc lập, thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 theo đúng quy định của pháp luật.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành TP; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan hoàn thành việc lập, thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 - 2025) TP trong tháng 9/2022.
Đồng thời, tổ chức công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ trong hệ thống quy hoạch, bao gồm quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch TP, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có liên quan.
Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ giữa quy hoạch sử dụng đất quốc gia với quy hoạch TP, giữa quy hoạch sử dụng đất TP, kế hoạch sử dụng đất TP với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; giữa kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu
Liên quan đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở chuyên ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thiết lập hồ sơ dự án đấu giá quyền sử dụng đất; công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch; công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định; tập trung rà soát, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất; lựa chọn tổ chức tư vấn đấu giá có uy tín, trách nhiệm và tuân thủ quy định của pháp luật.
Tổ chức công bố công khai thông tin về các dự án đấu giá quyền sử dụng đất và kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất hằng năm được phê duyệt bảo đảm minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu sử dụng đất tiếp cận đất đai.
Thực hiện nghiêm túc, đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Rà soát, kiểm tra, đánh giá, đề xuất kiến nghị xử lý theo quy định đối với trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng, đủ theo phương án được phê duyệt hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Thường xuyên rà soát, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định về đấu giá quyền sử dụng đất; báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Đề xuất dừng cuộc đấu giá đất khi mức trúng bị đẩy lên quá cao
Báo cáo tại Hội nghị “Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững” diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhận định, còn nhiều tồn tại và hạn chế trong vấn đề đấu giá đất ở nước ta.
Cụ thể, hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh, quân đỏ"; để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra; thông đồng giữa Tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá .
Mặc dù Luật Đấu giá tài sản đã có quy định về việc đấu giá viên quyết định dừng cuộc đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm hàng nhưng trên thực tế rất khó phát hiện, xử lý. Ngoài ra, có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tao mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi….
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về đấu giá đất còn chưa cụ thể, chồng chéo. Cụ thể là quy định chưa rõ ràng việc xem xét các điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chứng minh sự minh bạch, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá;
Chưa có quy định về chế tài xử lý khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất; dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực;
Quy định người trúng đấu giá chưa nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì phạt chậm nộp hay hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá khá dài (180 ngày như ở Thủ Thiêm) là một sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng....
Đánh giá về chính sách và tình hình định giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các quy định của pháp luật về giá đất đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể tại địa phương, làm căn cứ để tính thu các khoản nghĩa vụ tài chính, các khoản thuế liên quan đến sử dụng đất và bảo đảm lợi ích hợp pháp cho người có đất thu hồi, góp phần giảm thiểu khiếu kiện trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn lực cho nhau triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Một số địa phương đã tổ chức làm tốt công tác định giá đất cụ thể, lồng ghép việc xác định giá đất cụ thể trong quy trình thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất.