Kịch bản nào cho thị trường bất động sản cuối năm 2022?

Công Tâm (VietnamBiz) 07:49 | 03/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn trầm lắng do phải đối mặt với thách thức mới đặt ra bởi chính sách và định hướng lớn liên quan đến pháp luật đất đai, tín dụng bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp,… Mặc dù vậy, thị trường kỳ vọng sẽ phục hồi trong thời gian tới.

 

  Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn điều chỉnh. (Ảnh: Huy Nguyễn). 

Dữ liệu thị trường bất động sản 7 tháng đầu năm 2022 của Batdongsan.com.vn cho thấy, mức độ quan tâm bất động sản bán toàn quốc giảm 4%, trong khi lượng quan tâm đến bất động sản cho thuê tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bà Rịa -Vũng Tàu,... ghi nhận lực cầu giảm sút nhưng lượng cung tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Khánh Hòa và Long An là hai tỉnh hiếm hoi có mức độ quan tâm và lượng tin đăng bất động sản đều tăng. Cụ thể, mức độ quan tâm và lượng tin đăng của Khánh Hòa tăng lần lượt là 17% và 56%, chỉ số này của Long An tăng lần lượt là 11% và 66%.

Riêng tại Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm nay, chung cư là loại hình duy nhất có lượng quan tâm tăng. Trong đó, phân khúc căn hộ bình dân tăng 3%, trung cấp tăng 9% và cao cấp tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Mặt bằng giá rao bán căn hộ Hà Nội cũng tăng khoảng 6 - 13% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng này còn cao hơn so với tốc độ tăng giá của căn hộ chung cư ở TP HCM (4 - 8%).

Còn các loại hình khác như đất, đất nền dự án, nhà riêng, biệt thự liền kề đều ghi nhận lượt tìm mua giảm từ 5% đến 32% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, giao dịch đất nền và thổ cư tại Hà Nội đang diễn biến khá chậm, nguồn cung còn hạn chế và chưa có dấu hiệu gia tăng rõ ràng trong thời gian tới. Thanh khoản của đất nền và nhà thổ cư phụ thuộc nhiều vào chính sách nới tín dụng của Nhà nước. Một khi nút thắt tín dụng được tháo gỡ, thị trường sẽ có cơ hội để chuyển đổi từ giai đoạn chờ đợi sang hành động.

Tại TP HCM, căn hộ chung cư có nhu cầu tìm mua giảm 3% trong 7 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn, hiện có khoảng 10 dự án mới mở bán tại TP HCM và các tỉnh xung quanh, tỷ lệ hấp thụ hầu hết không vượt qua mức 50% nguồn hàng. Xét về mặt bằng giá rao bán, trong 7 tháng đầu năm nay, tất cả các phân khúc căn hộ TP HCM đều tăng giá so với cùng kỳ 2021, tăng cao nhất ở phân khúc bình dân (8%), sau đó là trung cấp (5%) và cao cấp (4%).

Báo cáo mới đây của DKRA Vietnam cũng cho biết, sức cầu chung toàn thị trường đất nền tại TP HCM và vùng phụ cận trong tháng 7 đạt 48%, giảm đáng kể so với các tháng trước đó, cụ thể, giảm 6% so với tháng 6 và giảm 26% so với tháng 5.

Nguyên nhân theo chuyên gia DKRA là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có động thái nới lỏng tín dụng và thị trường cũng xuất hiện các thông tin sửa đổi bổ sung Luật đất đai làm nhà đầu tư cân nhắc kỹ và cẩn trọng hơn.

Trong khi đó, giá bán trên thị trường thứ cấp vẫn tăng phổ biến khoảng 7 - 11% so với cuối năm trước.  Tuy nhiên, thanh khoản thứ cấp sụt giảm, phần lớn đến từ động thái tăng cường kiểm soát tín dụng, kể cả những dự án đã có sổ từng nền.

Đối với phân khúc căn hộ chung cư trong tháng 7, sức cầu chung toàn thị trường ở mức thấp. Mặt bằng giá căn hộ sơ cấp và thứ cấp không có nhiều biến động với thanh khoản thị trường ở mức thấp, ảnh hưởng từ động thái tăng cường kiểm soát tín dụng cũng như tâm lý e ngại trước những diễn biến vĩ mô thời gian tới.

Riêng tại TP HCM, thống kê của DKRA cho biết, tỷ lệ hấp thụ chung các dự án căn hộ mới ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, dao động phổ biến chỉ khoảng 40 - 60% giỏ hàng mở bán trong tháng.

Giá bán sơ cấp các giai đoạn tiếp theo không có nhiều biến động, tuy nhiên giá cũng như thanh khoản thứ cấp tiếp nối đà giảm từ nửa cuối quý II/2022, phần lớn do việc tắc nghẽn phê duyệt giải ngân hồ sơ vay mua nhà.

“Việc tăng cường kiểm soát tín dụng khiến thanh khoản thị trường sụt giảm, làm hạn chế cơ hội tiếp cận nhà ở của khách hàng, đặc biệt là những người có nhu cầu ở thực. Trong những tháng tiếp theo, dự kiến nguồn cung và lượng tiêu thụ sẽ tăng nhưng không có nhiều đột biến và tập trung chủ yếu tại khu Đông”, chuyên gia DKRA nhận định.

Thị trường sẽ phục hồi?

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia nhận định, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn điều chỉnh và có sự sàng lọc. Thị trường sẽ phục hồi ở một số phân khúc như nhà ở, khu công nghiệp,… và phục hồi rõ nét hơn bắt đầu từ quý IV năm nay. Tuy nhiên, thị trường hiện vẫn còn tâm lý chờ đợi và dòng tiền thông minh sẽ dịch chuyển kênh đầu tư.

Theo quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang ở mức “chân không tới đất, đầu không tới trời”. Phần lớn giao dịch bất động sản trong hai năm vừa rồi đều là giao dịch của nhà đầu tư, ít giao dịch mua để ở. Số lượng giao dịch mua để ở chỉ chiếm 0,26 phần nghìn. Thị trường bất động sản hiện nay là sân chơi của nhà phát triển dự án và nhà đầu tư thứ cấp.

Ông Nghĩa dẫn nhận định của một nhóm chuyên gia cho rằng, giá bất động sản trong thời gian tới sẽ giảm khoảng 30% nhưng thị trường không sụp đổ và sau đó sẽ phục hồi.

“Năm 2008, giá bất động sản giảm tới 60 - 70%. Chúng ta đang có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cao, lãi suất tăng ít. Nền tảng này giúp cho nhận định giá bất động sản có thể giảm 30% và sau đó có thể phục hồi trở lại như trên là đúng”, ông Nghĩa nói.

Còn theo dự báo của ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ tái cân bằng. Dự báo trong 6 tháng cuối năm, giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng như lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt. Thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.

“Nếu không được tháo gỡ, có thể thị trường bất động sản sẽ có có một giai đoạn đóng băng kéo dài và gây đổ vỡ cho các doanh nghiệp. Vì vậy, cần có các chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra một cách "mềm" hơn", vị này nhấn mạnh.