Hà Tĩnh: Cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát phức tạp đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của xã hội đồng thời ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Hà Tĩnh: Môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, một số ngành, lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng, thiếu hụt lao động, nguyên vật liệu đầu vào.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Theo thống kê nhu cầu trong các ngành giảm mạnh từ 40 – 50%, ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, ngàng vận chuyển hành khách nhu cầu giảm đến 80 – 90%. Nguồn thu của doanh nghiệp bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến rất khó khăn trong các khoản chi phí, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như: Các khoản chi phí, trả lãi vay ngân hàng dẫn đến nợ xấy, khó tiếp cận các khoản vay mới. Cộng với việc phải chi trả tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong khi không hoạt động khiến khó càng thêm khó.
Do tình thế khó khăn, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn phải thu hẹp sản xuất, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, người lao động bị mất việc làm, đời sống của người dân bị ảnh hưởng. Việc thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, thiếu lao động nước ngoài khiến việc sản xuất của doanh nghiệp chậm tiến độ, vận chuyển hàng hoá khó khăn khiến một số sản phẩm không tiêu thụ được.
Trước tình hình đó, tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh đã đồng ý gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, thực hiện khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt khoảng 58%; thu ngân sách chiếm 70% tổng số thu và vốn đầu tư xã hội chiếm khoảng 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Sự phát triển của doanh nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 83.000 lao động và có nhiều đóng góp trong hoạt động an sinh xã hội.
Trước những nỗ lực đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh nhà, ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: “Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động”.
Đồng thời cam kết: “Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư, xúc tiến đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm… Đồng thời, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trên nguyên tắc vướng cấp nào, địa phương nào thì cấp đó, địa phương đó phải chủ động tháo gỡ, xử lý nghiêm những đơn vị làm chậm tiến độ, gây khó khăn cho doanh nghiệp”.
Theo thống kê của Sở KH&ĐT Hà Tĩnh, tổng số đăng ký thành lập mới toàn tỉnh là 10.639 DN. Tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 104.248 tỷ đồng; vốn đăng ký bình quân 9,8 tỷ đồng/DN; trong đó có 8.997 DN hoạt động, đạt 6,9 DN/1.000 người dân. Cùng đó, trên địa bàn tỉnh có trên 1.017 hợp tác xã và hơn 3.380 tổ hợp tác, trên 60.000 hộ kinh doanh (trong đó có 47.916 hộ có đăng ký kinh doanh), đây là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển, tiến tới thành lập DN.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.419 dự án đầu tư, trong đó: 1.345 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 117.042 tỷ đồng và 74 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 13,684 tỷ USD.
Doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất giải pháp khôi phục sản xuất
Trong hội nghị đối thoại Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh với doanh nghiệp và tôn vinh các DN, doanh nhân tiêu biểu nhân ngày Doanh nhân Việt Nam tổ chức ngày 12/10. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cộng đồng DN tiếp tục đổi mới, thích ứng với tình hình hiện nay; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả và an toàn phòng chống dịch; tăng cường liên doanh, liên kết, chia sẻ cơ hội hợp tác kinh doanh vì sự phát triển của cộng đồng DN Hà Tĩnh; tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; đoàn kết, thống nhất, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Các Hiệp hội DN phải là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, thực sự là chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng DN.
Theo đại diện các doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: vay vốn, chính sách thuế, lãi suất, đất đai… nhưng sự hấp thụ chính sách, tiếp cận và thực thi các chính sách vẫn đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Để tiếp sức cho doanh nghiệp, các đơn vị liên quan cần đánh giá thực trạng của các doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 để có giải pháp, chính sách phù hợp, đúng đắn. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách tín dụng trong thời gian tới theo hướng quy định kéo dài thời gian cơ cấu lại khoản nợ, thời hạn trả nợ phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với khách hàng.
Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm 2021 Hà Tĩnh có 521 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc tạm dừng hoạt động, tắng 26,5% so với cùng kỳ, trong đó có 352 doanh nghiệp, đơn vị tạm dừng có thời hạn, 69 doanh nghiệp chờ giải thể, 100 doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục giải thể.
“Những con số trên cho thấy tác động khủng khiếp của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh cần xác định doanh nghiệp cũng là pháo đài trong phòng chống dịch và phát triển sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong doanh nghiệp, mở cửa đối với doanh nghiệp. Kịp thời tháo gỡ rào cản làm ách tắc lưu chuyển hàng hóa giữa các địa phương. Đồng thời có chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, phí, chuẩn bị mặt bằng khu công nghiệp, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới”, ông Lê Đức Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh kiến nghị.
Ông Lê Đức Thắng cũng đề nghị tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-10. Rà soát đề xuất các phương án giảm phí, lệ phí theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho, tìm kiếm thị trường trong nước, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp…
Còn ông Lê Viết Thảo Tổng - Giám đốc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh cho rằng, dù dịch bệnh không tác động trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty nhưng cũng khiến một số lĩnh vực kinh doanh của công ty ảnh hưởng như giá lợn giảm sâu, thiếu nguồn lao động… Tuy nhiên, với những nỗ lực, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty tiếp tục đạt khá, đảm bảo chỉ tiêu đề ra.
“Tỉnh cần thành lập tổ khảo sát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp theo từng ngành, loại hình và lĩnh vực cụ thể để có thêm dữ liệu nhằm xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp, sát thực tiễn”, ông Thảo cho biết.
Bà Võ Thị Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cho rằng, dù công ty không chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh như các doanh nghiệp trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ nhưng lại chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, bão lũ.
“Khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh cần có những giải pháp phục hồi nền kinh tế, cân đối lại nguồn lực, kêu gọi tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giữ chân người lao động. Bên cạnh đó, sớm ban hành các chính sách khôi phục, “tiếp sức” doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn để hạn chế vướng mắc hồ sơ khi giải ngân”, bà Minh nói.
Tại hội nghị, Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh Hà Tĩnh công bố 22 doanh nghiệp được tặng danh hiệu “Doanh nghiệp Hà Tĩnh tiêu biểu” năm 2021; 21 doanh nhân được tặng danh hiệu “Doanh nhân Hà Tĩnh tiêu biểu” năm 2021 và 11 doanh nghiệp được nhận bằng khen về thành tích chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế năm 2020.
Xem thêm: Thanh Hóa vinh danh 39 doanh nhân tiêu biểu năm 2021