Hà Tĩnh: Giải bài toán thu hồi nợ đọng thuế

07:00 | 24/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch COVID-19 ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là nguyên nhân đẩy tình trạng nợ thuế tăng cao. Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có khoảng 811 tỷ đồng tiền nợ cấp quyền khai thác khoáng sản chưa thể thu hồi, trong đó 747 tỷ đồng là tiền cấp quyền.

Thời gian qua, nhiều mỏ khoáng sản trên địa bàn Hà Tĩnh đã dừng hoạt động nhưng không làm thủ tục đóng cửa mỏ. Địa phương có số lượng mỏ hết hạn khai thác nhưng chưa thực hiện đóng cửa mỏ nhiều nhất tại Hà Tĩnh là thị xã Hồng Lĩnh với 7/19 mỏ. Đáng chú ý là có những mỏ đã hết hạn khai thác từ 4 – 5 năm nhưng doanh nghiệp gần như “lặn mất tăm”.

Tại khu vực khai thác, nhà làm việc, máy móc, các thiết bị nằm ngổn ngang, hoen gỉ, các moong mỏ không được san lấp, mặt bằng chưa được hoàn trả, cây xanh cũng chưa được trồng theo quy định. Điều này không chỉ gây ra nhiều hệ lụy về cảnh quan, môi trường mà còn khiến việc truy thu nợ đọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gặp nhiều khó khăn.

Mỏ đá Cơn Tria của công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng Hà Tĩnh tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, được cấp quyền khai thác từ năm 2012 trên diện tích 10ha. Tuy nhiên, mỏ đá chỉ hoạt động đến hết năm 2015, sau đó hoạt động cầm chừng và 3 năm nay đóng cửa. Hiện công ty này đang nợ khoảng 20 tỷ đồng tiền thuế cấp quyền khai thác và hơn 4 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế cấp quyền.

Nhiều mỏ khoáng sản trên địa bàn Hà Tĩnh đã dừng hoạt động nhưng không làm thủ tục đóng cửa mỏ.

Thanh tra Sở TN&MT Hà Tĩnh đã tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản đối với Công ty TNHH Xây lắp và Khai thác VLXD Thanh Nam – chi nhánh Hà Tĩnh, trong thời hạn 4 tháng 15 ngày. Theo ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh, tính từ năm 2015 tới nay, doanh nghiệp này đã không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo nghĩa vụ. Tính tới thời điểm ra quyết định xử phạt, doanh nghiệp này đang nợ gần 28 tỷ đồng.

Công ty TNHH Xây lắp và khai thác vật liệu xây dựng Thanh Nam (Công ty Thanh Nam - Chi nhánh Hà Tĩnh) được cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1589/GP-UBND ngày 5/6/2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, công ty này (trụ sở chính ở thôn Liên Giang, phường Kỳ Long - TX Kỳ Anh) được phép khai thác khoáng sản ở mỏ đá Khe Rò (phường Kỳ Long, TX Kỳ Anh) tới năm 2026. Với diện tích lên đến 12ha, khai thác với độ sâu +55m, trữ lượng địa chất cấp 121+122: 11.432.595m3, cùng với đó Công suất khai thác 498.000m3/năm và trữ lượng khai thác là 8.220.650m3. Hoạt động khai thác 18 năm kể từ ngày ban hành Giấy phép. Đồng thời, phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm hoàn thành các khoản như: Nộp lệ phí cấp giấy phép khai thác khoáng sản, nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nộp tiền cấp quyền khai thác, theo quy định của pháp luật.

Hiện trên địa bàn huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh có gần 60 doanh nghiệp đang nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với số tiền trên 130 tỷ đồng. Hầu hết mỏ khoáng sản của các công ty này đều đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng khiến việc truy thu thuế gặp nhiều khó khăn. Đây được xem là khoản nợ “xấu” của doanh nghiệp và cũng là khoản nợ khó đòi khiến ngành thuế hết sức đau đầu.

Mỏ không hoạt động, máy móc hoen gỉ

Ông Nguyễn Văn Thành – Trưởng phòng khoáng sản (Sở TN&MT Hà Tĩnh) cho biết: “Với thực tế, thì do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển và vấn đề thị trường giảm sút nên phần lớn các mỏ khai thác đá trên địa bàn TX. Kỳ Anh và phía nam huyện kỳ Anh chậm nộp tiền cấp quyền. Tuy nhiên, thời gian tới cũng phải thu”.

Chi cục trưởng Chi cục thuế khu vực Kỳ Anh - Ông Trịnh Duy Phú cho biết: “Công tác quản lý thu hồi nợ đối với những trường hợp này khá khó khăn bởi những mỏ này không hoạt động dẫn đến doanh nghiệp khó khăn về mặt tài chính. Ngành đã triển khai nhiều biện pháp thu hồi nợ đối với những trường hợp này tuy nhiên tính khả thi không cao. Không thu hồi được, đồng nghĩa hằng năm doanh nghiệp phải chịu thêm khoản chậm nộp theo quy định”.

Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 830 tỷ đồng tiền cấp quyền khoáng sản cần được thu hồi, nhưng hiện mới chỉ thu được 18,9 tỷ đồng. Số còn nợ đọng là 811 tỷ đồng, trong đó 747 tỷ đồng là tiền cấp quyền nhưng chủ yếu các mỏ không còn hoạt động. Đáng chú ý nhất là khoản nợ thuế của công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê với số tiền hơn 400 tỷ đồng.

Tổng tiền nợ thuế của toàn ngành thuế Hà Tĩnh Tính đến ngày 28/8/2021 là 719,6 tỷ đồng. Trong đó, nợ khó thu chiếm hơn 117 tỷ đồng, nợ có khả năng thu chiếm hơn 602,6 tỷ đồng. Trong tổng 602,6 tỷ đồng nợ có khả năng thu có hơn 204 tỷ đồng các khoản nợ từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khoảng 100 tỷ đồng từ nợ của một số doanh nghiệp khó khăn, chây ì từ nhiều năm lại nay (bao gồm: Công ty CP xây dựng I Hà Tĩnh (14,8 tỷ đồng), Công ty CP đầu tư và xây dựng Hà Tĩnh (9,9 tỷ đồng), Công ty TNHH Xây dựng Xuân Hà 1,3 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Sắt Vũ Quang (6,4 tỷ đồng), Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Đông Á (5,5 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Xuân Thường, Trưởng phòng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế - Cục thuế Hà Tĩnh cho biết: “Dịch COVID-19 ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là nguyên nhân đẩy tình trạng nợ thuế tăng cao. Trước tình hình này, ngành đang quyết liệt triển khai các giải pháp để truy thu nợ đọng. Hiện chúng tôi đang rà soát lại, đối với những đơn vị không còn khả năng nộp nợ thuế và có lý do khách quan thì cần được xem xét thấu đáo để khoanh nợ, không làm phát sinh tiền nộp chậm”.

4 tháng cuối năm 2021, Cục thuế Hà Tĩnh đang tập trung quyết liệt nhằm đưa tỷ lệ nợ trên tổng dự toán thu ngân sách năm 2021 đến ngày 31/12/2021 xuống dưới 5%. Theo đó, giải pháp mạnh được ngành thuế triển khai là tập trung cưỡng chế, phong tỏa tài khoản ngân hàng và cưỡng chế hóa đơn. Ngành cũng phối hợp với Kho bạc Nhà nước, ngân hàng và chính quyền địa phương để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu hồi nợ đọng cao nhất.